Tết của thị dân nghèo

Những người lao động - nhất là thị dân nghèo quanh năm đầu tắt mặt tối lo chuyện mưu sinh, đúng ra những ngày nghỉ Tết là thời gian để họ nghỉ ngơi, thư giãn… Nhưng ngược lại, đó là thời gian họ căng thẳng hơn khi phải chạy lo sắm Tết.

Tết truyền thống và những mỹ tục

Nếu như ở nông thôn quanh năm vất vả với ruộng đồng, chuyện ăn mặc cốt chỉ qua loa đủ no đủ ấm để lao động, nên những ngày tết ở quê là thời gian được nghỉ ngơi đúng nghĩa, sắm sửa ăn ngon, mặc đẹp cho bõ quanh năm vất vả là phải. Và cái không khí vui tươi, nhộn nhịp khác hẳn ngày thường nữa cũng làm cho Tết ở quê mới đúng nghĩa là Tết. Còn ở thành thị, dù giàu dù nghèo gì đi nữa nhưng cái ăn cái mặc cũng tương đối. Vả lại phố phường lúc nào cũng tấp nập có khi nghẹt thở nữa nên Tết đến nhiều người ở TP có điều kiện đều muốn về quê ăn Tết. Rất tiếc là chuyện tàu xe đi lại - nhất là đi về các vùng quê xa trong những ngày này cực kỳ khổ sở, nên đành phải ở lại ăn Tết TP. Nó cũng có cái hay: Tiết kiệm tiền bạc, thời gian và sức khỏe.

Đôi vợ chồng trẻ gần nhà tôi cùng quê Quảng Bình, cả hai làm cùng công ty. Mấy năm trước, Tết nào họ cũng đưa con về quê ăn tết với nội ngoại nhưng năm nay họ quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết. Anh chồng bảo: “Bọn em cũng buồn vì đây là Tết đầu tiên từ ngày lấy nhau và nhất là từ khi có con, bọn em không về quê ăn Tết. Em cũng đã báo với ông bà nội ngoại ngoài ấy, các cụ tuy buồn nhớ nhưng cũng thông cảm, vì lo cho chuyện tàu xe đi lại của con cháu”. Chị vợ mới đi chợ tết về cũng góp chuyện: “Tết năm nay không về quê, chúng em ở lại TP ăn một cái Tết đơn giản nhất, để thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Thấy bà con người Sài Gòn họ mua sắm tết dữ quá nhưng em chỉ mua vài thứ cần thiết…”. Tôi góp ý nên đơn giản, không nhất thiết phải có mâm cao cỗ đầy tốn kém. Nhất là tuyệt đối bỏ cái hủ tục đốt vàng mã nhảm nhí và hoang phí đi nhé.

Chuyện tàu xe đi lại những ngày tết cực kỳ khổ sở nên nhiều gia đình đành phải ở lại ăn Tết TP.

Ăn tết hoang phí từ giàu đến nghèo

Người Việt Nam hiện nay nổi tiếng thế giới về khoản ăn chơi, mua sắm hàng xa xỉ. Nhiều người chưa phải là đại gia cũng chơi ngông, bỏ tiền tỉ vào những cuộc đua tranh vì bệnh sĩ. Những dịp lễ, Tết là cơ hội cho nhiều người chơi sang. Nhiều cây kiểng “độc” giá hàng trăm triệu, gà Đông Tảo cả chục triệu đồng một con; bưởi, dưa, dừa độc lạ vài triệu đồng một cặp không đủ bán… Người Việt Nam ăn Tết ngày càng lớn, có nghĩa là ngày càng hoang phí. Không chỉ người giàu hoang phí mà cả người có thu nhập thấp, người nghèo cũng ăn Tết hoang phí.

Trường hợp bà Tư “tứ sắc” ở cùng hẻm tôi, có thằng con đi làm công nhân xây dựng ở đâu bên Bắc Phi, cô vợ ở nhà bỏ theo người khác, để thằng con 15 tuổi học lớp 9 lại bà Tư nuôi. Tết anh con không về được, gửi tiền về cho bà tiêu tết. Nhà chỉ có hai bà cháu nhưng mới 23 cúng đưa ông Táo, bà Tư đã bắt đầu mua sắm ê hề. Chị chủ quán cà phê buột miệng: “Điệu này mấy đồng bạc ông con gửi về chắc tiêu hết. Mà nếu còn đồng nào thì cũng vô mấy sòng tứ sắc hết!”. Thì ra cái biệt danh bà Tư “tứ sắc” là do vậy.

Còn bà vợ ông Chín “xe lam” mua sắm còn “khủng” hơn bà Tư. Ông Chín trước kia chạy xe lam, sau này Nhà nước cấm chạy thứ xe này, hỗ trợ mua một xe ba bánh Trung Quốc. Ngày thường ế, ông mắc võng từ xe qua cây trứng cá nằm ngủ gà ngủ gật, tối về không có tiền đưa, bà vợ tru tréo cả xóm đều nghe. Những ngày giáp Tết nhiều người dọn nhà, ông chạy ngày chạy đêm, có hôm gần 12 giờ ông mới về tới nhà, người phờ phạc. Có được bao nhiêu bà vợ móc hết, mai đi chợ mua sắm xả láng. Nhìn đống đồ đạc bà Chín mua chất đầy nhà, ông chỉ biết lắc đầu, chép miệng: “Bà không biết thương tui”. Ông nói nhỏ nhưng bà vợ hét toáng lên: “Tết mà”!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm