Ngoại vốn là một thầy giáo dạy Văn cấp III. Những năm tháng đất nước còn đang chiến tranh, từ Quảng Trị, ngoại theo mọi người vào đất Bình Thuận để sinh sống. Ngoại mở một quán và phê nhỏ ngay trước nhà để bán. Mấy chục năm nay, bao nhiêu lượt khách đi rồi về vẫn không quên ghé thăm quán cà phê của ngoại...
Ngoại nhập viện vào đúng ngày Tết tây, sau cơn nhồi máu cơ tim tại nhà. Cậu đưa ngoại đi BV ở huyện, rồi sau đó người ta chuyển ngoại lên BV Chợ Rẫy. Những ngày nằm viện, mẹ tôi, dì, cậu từ dưới quê cũng lên để chăm sóc ngoại. Mấy đứa cháu làm ở xa cũng chạy lên...
Lũ cháu chúng tôi vẫn hay chơi đùa trước sân nhà ngoại. ẢNH: THANH TUYỀN.
Hai ngày đầu nằm viện, ngoại còn minh mẫn, còn cười đùa với lũ cháu. Khi được đưa vào nằm ở phòng cấp cứu, ngoại nhìn cái bảng và níu tay chúng tôi hỏi rằng: “Vô đây nằm là ngoại gần đi rồi đó hả mấy đứa?...”. Lũ cháu chúng tôi im lặng một lúc lâu rồi cười bảo rằng, khỏe mạnh lắm bác sĩ mới cho vào đây đó... Anh họ tôi là cháu nội, lúc đó quay mặt đi chỗ khác, lau nhẹ giọt nước mắt rớt xuống trên má...
Tự nhiên, ngoại tôi khóc...
Nằm ở phòng cấp cứu, ngoại hỏi han đủ điều chuyện mấy dì và em ở nhà. “Răng bà tụi bay chưa lên thăm tau?”, “Răng dì cả chưa vô ở với ngoại. Thằng An ở nhà có ai lo cho nó không, để nó một mình tội nghiệp?”... Thấy mẹ tôi phải về quê vì còn việc mà mãi chưa lên lại, ngoại bảo em tôi bấm điện thoại, ghé sát vào thì thào: “Răng con nói con về rồi lên lại với ba liền mà chừ chưa thấy?”...
Mẹ tôi nghe xong, nấc nghẹn trong điện thoại...
Cây bàng mà ngoại tự tay trồng giờ cao lớn và tán rộng lắm, ai đi ngang qua cũng dừng lại đây nghỉ chân. ẢNH: THANH TUYỀN.
Ba ngày nằm ở bệnh viện, sức khỏe ngoại càng yếu dần, rồi rơi vào hôn mê sâu. Có lúc tỉnh dậy, ngoại lại hỏi đứa này đứa kia dù chúng tôi đứng quanh giường bệnh của ngoại. Anh chị tôi là cháu nội của ngoại đứng đó, hai mắt đỏ hoe.
Tôi còn nhớ sáng đó, ngoại nắm tay chúng tôi và bảo: “Cho ngoại về nhà đi, ngoại muốn gần con cháu...”.
Chúng tôi đưa ngoại về sau ba ngày nằm ở bệnh viện. Mẹ tôi kể rằng, lúc về ngoại cũng còn tỉnh táo lắm, nghe tiếng dì hai trong nhà, ngoại cũng nhận ra. Cả nhà ai cũng hy vọng ngoại sẽ ở với con cháu qua cái Tết năm nay...
Nhưng ngay ngày hôm sau, nhà tôi gọi, báo rằng ngoại yếu dần. Lần đầu tiên anh gọi điện thoại cho tôi và khóc, giục tôi về nhanh đi kẻo không kịp...
May sao, tôi và chị về kịp... Chiều hôm đó, tất cả con cháu cũng đã về kịp với ngoại. Tối hôm đó, ngoại đi thật...
Từ ngày ngoại đi, nhà buồn hẳn.
Từng cánh hoa trước sân nhà đều là do ngoại vun trồng. ẢNH: THANH TUYỀN.
Hàng ngày, ngoại vẫn có thói quen bắt sâu cho từng cây hoa vào mỗi chiều. ẢNH: THANH TUYỀN.
Mâm cơm ngày Tết dọn lên, mấy đứa em tôi lại nhắc về ngoại. Rằng ngoại thích gặm xương gà, thích ăn canh khoai từ bà nấu, món ăn vặt ưa thích là bắp... Thói quen mà ông thường hay trêu bà là ăn một lúc ba chén cơm xong đứng dậy bảo: “Mạ mi nấu cơm chi mà dở ẹc, rứa ai mà ăn cho được”, nói rồi ông quay lưng đi mà miệng cứ tủm tỉm cười. Mấy đứa cháu đã quá quen với điệu cười, cách nói đó.
Bà ngoại thì nhắc bảo rằng, cứ chiều nào ngoại bưng cháo vịt lên cho ông, ông cứ nhìn bà bảo: “Tiền mô mà mạ mi mua cho tui ăn ri. Mạ mi lấy tiền mô ra”. Vậy đó, ông lúc nào cũng tiết kiệm như vậy, để dành cho vợ, cho con cháu.
Mấy dì tôi thì cứ nhắc đi nhắc lại mấy câu thơ trong tập thơ mà ngoại viết tặng năm đứa con gái của mình.
Khoảnh sân này là một tay ngoại xây rồi vun trồng từng nhành hoa. ẢNH: THANH TUYỀN.
Góc quán cà phê nơi ngoại từng ngồi đàm đạo bên tách trà cùng những người bạn già của mình vẫn còn hình bóng ngoại ở đó. Sau ngày ngoại đi, họ vẫn ngồi đó, nói chuyện thời sự, đọc thơ cho nhau nghe rồi nhắc về ngoại trong một vài câu chuyện nhỏ...
Những thanh niên còn trẻ thường đến quán, hay chọc ghẹo ngoại, có khi còn bị ngoại la ỏm tỏi vì quấy phá cũng không buồn đòi nghe nhạc nữa. Không một bản nhạc nào được cất lên từ sau ngày ngoại mất, khách cũng không buồn hỏi... Mọi người cùng ngừng hẳn việc đánh cờ mà lúc còn sống, ngoại bày ra để mọi người giải khuây sau khi làm việc căng thẳng. Họ đến quán, chỉ ngồi bên ly cà phê, trò chuyện với nhau vậy thôi...
Góc quán cà phê giờ đây buồn hẳn đi vì thiếu hình ảnh của ngoại. Khoảnh sân này còn là nơi đám cháu chúng tôi hay đùa giỡn mỗi dịp về nhà. ẢNH: THANH TUYỀN.
Tết năm nay, mấy dì ở xa về, lại rơm rớm khi không còn thấy ngoại chống gậy ra đón. Cả nhà tập trung dọn dẹp quán. Lại nhớ như in hình ảnh ngoại chiều 30 Tết đứng chỉ việc cho mấy đứa cháu.
Hàng xóm xung quanh cũng nhắc đến ngoại. Lúc còn sống, cứ đến lúc xuân về ngoại lại mở nhạc xuân cho mọi người cùng nghe. Quán cà phê của ngoại đối diện chợ nên lúc nào ngoại cũng cố ý mở loa to lên cho bà con có không khí đón Tết.
Năm nay, bà bán bánh canh nhắc: “Tết nay không có chú, không thấy xuân gì hết trơn. Mọi năm chú vẫn hay mở nhạc xuân cho mọi người nghe cho có không khí... Chợ Tết năm nay vậy là thiếu hẳn phần hồn rồi...”.