Đã hai cái Tết, cả gia đình chị Hảo không được vui Tết mà chỉ sống trong lo lắng vì sức khoẻ của con. Năm 4 tuổi, trong mọt lần chơi đùa cùng các bạn, bé Ngọc Anh đã vô tình nuốt và hóc một miếng đồ chơi bằng nhựa. Mọi việc tưởng chừng đơn giản nhưng sau một vài tháng, bé có biểu hiện ho, khó nuốt tăng dần. Tưởng con bị viêm phổi, viêm họng, chị Hảo đưa con đến bệnh viện khám nhiều lần nhưng điều trị mãi không khỏi.
Sau gần một năm điều trị, các bác sĩ cho bé nội soi họng mới phát hiện miếng đồ chơi nhựa tuy đã được lấy ra nhưng để lại một lỗ thủng rất lớn trong thực quản của bé. Gia đình đã cho bé đến rất nhiều bệnh viện nhưng không bệnh viện nào điều trị được cho bé. Bệnh trở nặng đến mức bé Ngọc Anh không ăn uống được qua đường miệng, các bác sĩ phải đặt một ống thông qua thành bụng vào dạ dày, hàng ngày mẹ phải bơm cháo, sữa để nuôi con.
Niềm vui của bé Ngọc Anh ngày được ra viện. Ảnh: HƯƠNG GIANG.
Khoảng tháng 10-2016, bé Ngọc Anh được bố mẹ đưa đến khoa Phẫu thuật Nhi bệnh viện Việt Đức. TS. Nguyễn Việt Hoa - Trưởng khoa Nhi, cho biết khi nhập viện, bé Ngọc Anh bị suy dinh dưỡng, thân hình gày gò, tay lúc nào cũng cầm một cái cốc có sẵn miếng giấy ăn để nhổ nước bọt trong miệng vì không thể nuốt xuống được. Ống thông dạ dày thì cáu bẩn, được dán hờ trên thành bụng.
Cũng theo TS. Hoa, tình trạng bệnh của bé Ngọc Anh khi ấy rất nặng, lỗ thủng thực quản rất lớn, lại thông vào khí quản, chỉ cần bé nuốt một chút nước bọt sẽ vào phổi ngay, bé sẽ bị ho sặc sụa. Lâu dần bé sợ nên không dám nuốt.
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với những trường hợp như thế là phải mổ để xử lí lỗ thủng - rò thực quản - khí quản. Có thể sẽ phải cắt toàn bộ thực quản, đưa dạ dày hoặc đại tràng lên thay thể đoạn thực quản hỏng. Tuy nhiên, đây lại là một ca mổ cực kì lớn, rất nặng đối với một bé 4-5 tuổi suy dinh dưỡng, thể trạng suy kiệt. Sau khi hội chẩn với các chuyên gia trong và nước ngoài, tìm kiếm tài liệu tham khảo, nhiều phương án điều trị được đặt ra nhưng TS. Hoa vẫn chưa thấy có phương án tối ưu.
Cuối cùng, phẫu thuật vẫn là phương án duy nhất mà cả bác sĩ và gia đình phải chấp nhận mọi nguy cơ để điều trị cho bé. TS Hoa phân tích: "Đây là một ca mổ cực khó. Ngoài việc thể trạng bé rất kém, điều quan trọng là vị trí tổn thương rất phức tạp, nằm ngay cạnh quai động mạch chủ và phía sau tim. Hơn nữa thực quản ít mạch máu nuôi, phải liên tục hoạt động nên khả năng liền vết mổ và phục hồi chức năng của thực quản tương đối khó khăn. Ca mổ đối diện với rất nhiều nguy cơ rủi ro, có thể thất bại, mà đã thất bại thì tính mạng bệnh nhân cực kì nguy hiểm".
Tuy nhiên, với quyết tâm của cả tập thể y bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhi, dù chỉ có một phần hi vọng vẫn phải cố gắng, ca mổ đã được tiến hành. Với sự giúp đỡ của PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, bé Ngọc Anh được sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo, làm cho tim và phổi ngừng hoạt động hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bộc lộ thực quản và khí quản.
TS Nguyễn Việt Hoa đã thực hiện kĩ thuật cắt đoạn thực quản bị tổn thương và nối trực tiếp hai đầu thực quản lành với nhau. Ca mổ kéo dài năm tiếng nhưng kết quả nằm ngoài mong đợi của các bác sĩ. Chỉ hai ngày sau mổ, bé Ngọc Anh đã tỉnh và có thể tiếp xúc với bố mẹ. Sau ba tuần phẫu thuật, bé đã có thể uống nước, uống sữa mà không gặp trở ngại nào. Niềm vui và sức sống đã trở lại trên nụ cười của cô bé sáu tuổi.
Chiều 30 Tết - ngày cuối cùng của năm, bé Ngọc Anh được các bác sĩ BV Việt Đức cho ra viện. Gặp bé đang tíu tít cùng bố mẹ thu dọn đồ đạc để về quê ăn Tết, ai cũng thấy vui lây. Thành công của ca mổ không chỉ đem lại niềm vui vô bờ bến sau hai năm tưởng như mất hết hi vọng cho gia đình bé Ngọc Anh, mà đó còn là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, là mốc đánh dấu cho sự phát triển về mặt chuyên môn của tập thể các bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện HN Việt Đức.