Giáo sư Lê Văn Thính, trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa có hơn 100 cán bộ, nhân viên (kể cả nhân viên làm hợp đồng). Đây chuyên khoa tuyến cuối của cả nước nên ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhân.
Cũng theo GS. Thính, ngày Tết số bệnh nhân nhập viện tăng hơn ngày thường. Riêng phòng cấp cứu của Khoa, ngày 30 Tết luôn có khoảng 50 bệnh nhân nặng vào cấp cứu. Các bệnh nhân đều trong tình trạng bệnh nặng, phải điều trị dài ngày như: tai biến mạch máu não (đột quỵ não), u não, nhiễm khuẩn thần kinh…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào thăm hỏi, động viên các bệnh nhân Khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai tối 30 Tết Đinh Dậu.
“Trong những ngày Tết chúng tôi vẫn làm việc như ngày thường. Bệnh nhân nặng không thể điều trị nhanh khỏi được mà quan trọng là tập trung chẩn đoán chính xác, khi bệnh nhân ổn định thì chuyển về tuyến dưới để bệnh nhân đỡ vất vả và tránh quá tải không cần thiết”- GS Thính cho biết.
Điều dưỡng Bùi Thị Liên, khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân ở đây rất đông, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng có lúc vẫn phải nằm ghép 2 người/giường. Không chỉ bệnh nhân vất vả vì bệnh tật mà nhân viên y tế cũng làm việc rất căng. Mỗi tua trực của Khoa có 4 nhân viên chính mà phải phụ trách tới gần 40 bệnh nhân.
Theo điều dưỡng Liên, ngày Tết các y, bác sỹ của Khoa vẫn chăm sóc bệnh nhân như ngày thường, vệ sinh cá nhân, tiêm và truyền thuốc cho bệnh nhân ngày 2 lần. Mỗi tua trực 12 tiếng và lặp lại sau 4 ngày, do vậy trong dịp nghỉ Tết 7 ngày, mỗi nhân viên của khoa phải trực từ 2 đến 3 ngày. Làm việc hết công suất nên ai cũng mệt phờ sau mỗi ca trực, về đến nhà là nghỉ cho lại sức chứ không ai còn nghĩ đến đi chơi Tết nữa…
Anh Hoàng Văn Minh, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, có mẹ là bà Nguyễn Thị Hồng, 70 tuổi, đang điều trị tại Khoa Thần kinh cho biết, mẹ anh bị tai biến lần một, vào viện từ ngày 24-1, bệnh khá nặng nên phải ở lại điều trị qua Tết.
Bố anh đã già nên ở nhà chăm sóc các cháu, còn chị em anh thay phiên nhau ra Hà Nội chăm mẹ. Anh Minh ngậm ngùi cho biết, đây là năm đầu tiên anh phải Tết ở bệnh viện.
Tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ Nguyễn Hữu Dũng cho biết, với bệnh nhân suy thận mãn, việc lọc máu theo chu kỳ (chạy thận nhân tạo) được thực hiện 3 lần/tuần. Nếu ngày Tết mà y, bác sỹ nghỉ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Do vậy, khoa bố trí để bệnh nhân chạy thận theo lịch như ngày thường, liên tục ngày 3 ca từ 6h30 đến 23h30.
Theo BS. Dũng, năm nay, theo nguyện vọng của bệnh nhân, các bác sỹ đã đẩy thời gian bắt đầu ca 1 của ngày 30 Tết sớm hơn, chạy thận từ 3 giờ sáng nên đến 3 giờ chiều đã giải quyết hết các ca để bệnh nhân kịp về nhà đón giao thừa.
Tuy nhiên, Khoa cũng đã bố trí một kíp trực, sẵn sàng làm việc khi có bệnh nhân phát sinh. Vì sức khỏe của người bệnh, các bác sỹ không quản ngày giờ, lễ Tết, luôn túc trực tại bệnh viện để chăm sóc người bệnh. Tết với họ là giúp các bệnh nhân vượt qua cơn bạo bệnh. Và trong thâm tâm, các bác sỹ luôn mong ngày Tết vắng bệnh nhân…