Chúng ta đã bàn khá nhiều và cũng có rất nhiều biện pháp, đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, nhưng kết quả công tác này chưa đạt được như mong muốn, thậm chí có mặt còn biểu hiện trầm trọng hơn, tham nhũng ngày càng trở nên “tinh vi” hơn. Đến nay, “Việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ việc có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật”(1). Tình hình đã rất cấp bách đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải kiên quyết hơn với tệ nạn tham nhũng, với thứ “giặc nội xâm" này.
|
Ảnh minh họa/thanhtravietnam.vn. |
Tham nhũng bao giờ cũng do con người thực hiện. Những con người ấy là những cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước lợi dụng chức quyền để đục khoét. Đó là “sự tha hóa quyền lực nhà nước” như V.I.Lê-nin nói, là sự lợi dụng cái quyền lực đã bị tha hóa ấy để nhũng nhiễu, lấy tiền bạc, của cải của nhân dân. Những người có chức vụ, quyền hạn càng cao càng có “điều kiện” để tham nhũng và hành vi tham nhũng của họ càng có tác động mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với đất nước và xã hội.
Trong khi yêu cầu phải xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, phải “kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng”(2), thì Tổng Bí thư cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”(3).
Thông điệp trên đã chỉ rõ rằng, mối quan hệ giữa cơ chế và con người, giữa cơ chế và cán bộ cần phải được kết hợp chặt chẽ và giải quyết tốt trong quá trình phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện cơ chế phải gắn với việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ.
Nhấn mạnh việc giáo dục tinh thần biết “trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng” là sự trả lời đúng và trúng vấn đề. Đó như là một sự soi rọi vào lương tâm, trách nhiệm, vào tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; là sự đánh thức lương tâm, trách nhiệm và yêu cầu cao về tính tiền phong đó trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này. Hơn lúc nào hết tinh thần Đảng, phẩm chất “công bộc”, sự liêm chính của mỗi cán bộ, đảng viên phải được đề cao, chi phối tư tưởng, thái độ và hành vi của họ trong mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong những lĩnh vực, những cương vị, công việc nhạy cảm, có “điều kiện” dễ nảy sinh tham nhũng. Dù chúng ta có cố gắng xây dựng và hoàn thiện những cơ chế phòng, chống tham nhũng như Tổng Bí thư nêu ra, nhưng sự vận hành của các cơ chế đó sẽ không thể đạt hiệu quả, nếu chúng ta không có được những con người, những cán bộ biết “trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ”.
Những ai tìm mọi cách để biện minh cho hành động tham nhũng của mình, đổ lỗi cho tập thể, cho hoàn cảnh khách quan thì họ thực sự là những người không còn biết “trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ” nữa, họ đã “chai lỳ”. Theo V.I.Lê-nin, sự “thiếu trách nhiệm, lấy cớ là lãnh đạo tập thể, đó là một tác hại nguy hiểm nhất”(4), cần phải kiên quyết khắc phục.
Không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả, nếu chúng ta không có được đội ngũ cán bộ thực sự “sống trong lòng quần chúng”, gương mẫu, được mọi người tín nhiệm tuyệt đối, những “công bộc” thực sự của dân.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua không đạt được kết quả mong muốn, có nguyên nhân quan trọng là đội ngũ cán bộ. Những người “chạy chức, chạy quyền” mà “chui vào” hàng ngũ lãnh đạo thì không thể là người biết “trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ”. Vì vậy, vấn đề có tính mấu chốt là phải thực hiện tốt công tác cán bộ; quy thật rõ ràng trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu về những sai lầm, sự tắc trách, vi phạm nguyên tắc trong công tác cán bộ, để cho tình trạng “chạy chức, chạy quyền” và tham nhũng phát triển.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị; đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo tinh thần đó, cán bộ, đảng viên phải thực sự “liêm khiết", “tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ”(5), ra sức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh và lý do nào đó mà “vô tình” hay “cố ý” tham nhũng. Không thể chỉ thuyết giáo và yêu cầu mọi người hãy chấp hành và tuân theo, còn mình thì “đứng ngoài cuộc”, thậm chí lại để cho vợ con lợi dụng, làm những việc trái pháp luật, làm giàu phi pháp, bất lương, bất chính.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh, cần có các "tiêu chí, yêu cầu cụ thể" về sự gương mẫu, về “liêm sỉ, danh dự” của cán bộ, đảng viên trên mọi lĩnh vực. Cần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân và các tổ chức quần chúng trong giám sát của cán bộ, đảng viên theo tiêu chí, định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của đảng viên một cách thực sự, tránh hình thức.
Yêu cầu cơ bản của đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay là cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân, làm cho tinh thần trọng liêm sỉ, danh dự trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn xã hội được phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG (Theo QĐND)
(1), (2), (3), (5) Nguyễn Phú Trọng, Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Báo Nhân Dân số ra ngày 6-5-2014, tr.4.
(4) V.I. Lê-nin Toàn tập, Nxb TB M. 1977 Tập 39, tr.53