Lời cảnh báo của Tổng Bí thư đặt ra vấn đề cần phải hết sức quan tâm. Gần đây, liên tiếp nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử với số tiền thất thoát lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, hàng triệu USD. Tuy nhiên, so với tham nhũng, tình trạng lãng phí hiện nay với số tiền thất thoát cũng không hề kém, thậm chí còn nhiều hơn.
Điều đáng lưu ý là trong khi xã hội lên án tham những nhưng lại khá thờ ơ với không ít việc lãng phí xảy ra ngay trước… mắt mình.
Xin nêu một ví dụ về lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa (SGK). Hằng năm, cả nước có hàng triệu bản SGK vừa dùng xong là… bỏ. Có lẽ trong mỗi gia đình ai cũng có một vài con em đi học. Theo quy định, mỗi học sinh phải mua một bộ SGK. SGK học đến cuối năm hầu hết không được dùng lại. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2011-2012, cả nước có khoảng 15 triệu học sinh phổ thông (từ tiểu học đến THPT). Nếu tính đơn giá bình quân một bộ SGK khoảng 100.000 đồng thì mỗi năm các gia đình cả nước phải bỏ ra số tiền mua SGK là 1.500 tỉ đồng. Sau một năm sử dụng, số SGK này không được dùng lại. Thật là một sự lãng phí khổng lồ!
Từ lời cảnh báo của Tổng Bí thư, có lẽ toàn ngành giáo dục nên phát động phong trào chống lãng phí trong sử dụng SGK. Mỗi địa phương kêu gọi các trường nhân mùa hè sắp đến vận động học sinh tặng lại bộ SGK cũ cho nhà trường. Mỗi trường có tủ sách dùng chung. Số sách này sẽ cho học sinh khóa sau mượn. Nếu từng địa phương làm được như thế, cả nước sẽ tiết kiệm 1.500 tỉ đồng.
Gần đây dư luận nói nhiều thạc sĩ, cử nhân ra trường thất nghiệp, phải làm trái ngành nghề đào tạo. Sự lãng phí trong đào tạo như vậy cũng vô cùng lớn. Nhưng không phải chỉ có ngành giáo dục, các ngành khác cũng có tình hình lãng phí không hề kém. Chẳng hạn ngành GTVT, hằng năm việc đào xới để lát gạch vỉa hè, đầu năm lát cuối năm xới cũng gây ra lãng phí “khủng” vì mới qua một năm mà vỉa hè đã xuống cấp. Đó là chưa kể nhiều công trình cầu, đường mới xây xong đã xuống cấp. Rồi ngành LĐ-TB&XH với hàng loạt trung tâm hướng nghiệp dạy nghề quận/huyện, máy móc-trang thiết bị dạy nghề mới mua phải trùm chăn vì không có người học mà báo chí đã phản ánh. Cũng qua báo chí, hiện các cơ quan nhà nước có gần 30% cán bộ không làm được việc, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng ngân sách phải trả lương đều đặn. Sự lãng phí ngân sách xem như vậy cũng vào loại “khủng”. Đó là chưa kể nhiều dự án cộng đồng, xã hội vay vốn nước ngoài làm không tới nơi cũng “đốt” không ít tiền mà truyền thông đã không ít lần nói đến...
Lời cảnh báo của Tổng Bí thư như một lời cảnh tỉnh. Thiết nghĩ các ban ngành, địa phương cần thực tâm xem lại những việc lãng phí trong ngành mình để có biện pháp khắc phục. Cũng dịp này, hưởng ứng lời của Tổng Bí thư, giới truyền thông nên dấy động một phong trào kêu gọi người dân phản ánh những việc làm lãng phí ở địa phương mình. Chúng tôi nghĩ đây là việc làm thiết thực để xây dựng đất nước.
LÊ ĐÔNG