Chống tham nhũng khó vì luật “không răng”

“Có rất nhiều chuyên gia cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN còn mang tính “tuyên ngôn”, giống một đạo luật “không có răng”, tức cắn không đau hay nói cách khác là thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, dẫn đến hiệu lực thi hành còn hạn chế”. Ý kiến này của ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) được nhiều đại biểu đồng tình và mang ra mổ xẻ tại Hội thảo hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tăng cường hiệu quả thực hiện các biện pháp PCTN do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, diễn ra trong hai ngày 29 và 30-7 tại TP Tuy Hòa (Phú Yên).

Công khai nửa vời

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, một trong các tồn tại, bất cập trong thực hiện Luật PCTN hiện nay là việc chưa siết chặt công khai, minh bạch. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác PCTN chưa hiệu quả, chưa làm giảm nguy cơ tham nhũng. Cụ thể, ông Anh cho rằng việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của Luật PCTN chưa tác dụng nhiều trong điều chỉnh, chưa giúp kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho rằng việc kê khai tài sản, thu nhập hiện còn nặng về hình thức do chỉ dựa vào ý thức tự giác, hầu hết không được kiểm tra, xác minh. Cùng đó là quy định nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm gắn với người có nghĩa vụ kê khai chưa hợp lý; hình thức công khai bản kê tài sản, thu nhập còn hạn chế, vướng mắc… Theo ông Hùng, bức thiết nhất hiện nay là chưa có quy định rõ ràng việc xử lý đối với tài sản kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý.

Hội thảo Hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tăng cường hiệu quả thực hiện các biện pháp PCTN do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Phú Yên sáng 29-7. Ảnh: T.LỘC

Đồng tình, TS Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (thuộc Thanh tra Chính phủ), nói: “Việc kê khai thu nhập hiện nay còn rất nhiều bất cập, chỉ mới kê khai tài sản của vợ chồng, con cái. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa đánh vào những nơi có khả năng trú ẩn của tham nhũng”. Theo TS Hiệp, trên thế giới người ta công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của quan chức trên các trang web cho toàn thế giới biết. “Còn chúng ta là công khai nửa vời!” - ông Hiệp nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiện nay chưa có quy định rõ nếu không thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch thì xử lý thế nào, cũng như chưa có quy định cụ thể về nội dung, hình thức, phương thức để người dân tiếp cận việc công khai thu nhập của cơ quan, tổ chức.

Trước tình hình này, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng cần chỉ rõ, phân tích cụ thể những khiếm khuyết hiện nay của pháp luật về kê khai tài sản trong quá trình tiếp tục hoàn thiện pháp luật về PCTN. Theo bà Nga, cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN, các luật chuyên ngành khác cũng phải được quy định chặt việc kê khai, công khai. “Tôi lấy ví dụ, nếu chúng ta thực hiện theo quy định hiện nay của Bộ Tài chính về thanh toán công tác phí, chi phí ăn ở thì không thể nào thực hiện. Chính chúng ta chấp nhận việc kê khai, thanh toán không đúng thực tế. Chính chúng ta chấp nhận nói dối” - bà Nga thẳng thắn.

Cần có cơ quan chống tham nhũng độc lập?

Bàn về các biện pháp chống tham nhũng, bà Lê Thị Nga đặt vấn đề: “Lâu nay người ta dùng nhiều cụm từ quá chung chung để đánh giá về tình hình tham nhũng. Chẳng hạn, người ta nói nhiều cơ quan chưa quyết liệt chống tham nhũng. Vậy quyết liệt là như thế nào, tính định lượng ra sao. Cuối cùng chả ai bị xử lý cả”.

TS Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng với tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp thì cần phải nâng tính chuyên nghiệp của cơ quan PCTN lên và các biện pháp tiến hành cần đảm bảo tính pháp lý. “Loại tội phạm này rất phức tạp nhưng chúng ta chỉ dùng biện pháp thông thường, giống như bắt hổ mà không dùng dây sắt, chỉ dùng dây thừng thì coi chừng hổ sẽ vồ lại” - TS Hiệp nói.

Từ thực trạng và những phân tích trên, nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất cần thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập, có quyền lực mạnh. “Điều quan trọng là cơ quan chống tham nhũng phải độc lập nhằm tạo ra sự khách quan, khi đó việc chống tham nhũng mới hiệu quả” - TS Hiệp nói. Đồng thời, TS Hiệp cũng đề xuất về luật pháp cần phải hình sự hóa mọi hành vi liên quan đến tham nhũng, nhất là làm giàu bất hợp pháp, tham nhũng trong khu vực tư…

Trung tướng Trần Đăng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), kiến nghị: “Cần hoàn thiện về mô hình tổ chức đối với các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các biện pháp nghiệp vụ, được trang bị đủ các điều kiện, phương tiện làm việc, chính sách đãi ngộ thỏa đáng… đủ sức mạnh để làm nòng cốt trong phát hiện, điều tra, xử lý tội tham nhũng”.

TẤN LỘC

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật PCTN

Có hai nguyên nhân khiến công tác PCTN chưa hiệu quả. Ở góc độ ban hành pháp luật, đúng là có những khiếm khuyết, hạn chế như tính khả thi, thiếu cụ thể, quy định chưa rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, chế tài… dẫn đến hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhìn từ góc độ tổ chức thực hiện, có luật pháp rồi nhưng người ta thực hiện chưa nghiêm, như quy định về các biện pháp phòng ngừa, công khai minh bạch, kê khai, quản lý thu nhập, quản lý quà tặng, phát hiện, xử lý…

Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN mà phải hoàn thiện chung về pháp luật, cả về phòng và chống. Cả hệ thống pháp luật cần nhìn lại là đã đạt yêu cầu về phòng, chống tội phạm tham nhũng chưa. Về chế tài, phải chăng luật pháp Việt Nam chưa nghiêm trong việc chống tham nhũng. Qua hội thảo này, sẽ có đánh giá từ thực tiễn công tác đấu tranh PCTN để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Quốc hội UÔNG CHU LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm