Báo chí gặp khó đủ đường khi chống tham nhũng

Những chướng ngại vật cản đường báo chí đấu tranh trên mặt trận phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được các chuyên gia “chỉ mặt” tại Hội nghị pháp luật về PCTN do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Tư pháp tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23-7.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho hay báo chí còn gặp khó đủ đường khi tham gia vào mặt trận chống tiêu cực tham nhũng. Ảnh: LÊ PHI

Chống lại sự ém nhẹm thông tin

TS Ngô Mạnh Toan, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ thanh tra (Thanh tra Chính phủ), cho rằng một điều hết sức quan trọng để đấu tranh PCTN có hiệu quả là phải tăng cường trách nhiệm giải trình, kiểm soát sự bưng bít thông tin. “Chúng ta cần phải tăng cường sự kiểm soát quyền lực ngay trong bộ máy nhà nước cộng với việc giám sát của xã hội và tự thanh, kiểm tra. Phải tăng cường công khai, minh bạch thông tin đến người dân. Chống lại sự ém nhẹm thông tin” -TS Toan nói. Theo đó, “cần phải công khai việc hoạt động của cơ quan, cá nhân về mục đích sử dụng quyền lực. Công khai, minh bạch về tài sản, thu nhập của người có chức có quyền. Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin để họ chống lại sự nhũng nhiễu tiêu cực” - TS Toan đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Toan cho rằng cần phải kiểm soát công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ vì cái này vẫn chưa làm được nhiều. Vì vậy, cần phải công khai minh bạch về công tác cán bộ. “Bởi đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, nơi tham nhũng ẩn khuất rất tinh vi” - theo TS Toan.

Rất gian nan để tiếp cận thông tin tiêu cực

Theo nguyên thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, báo chí đấu tranh với tham nhũng là vô cùng khó khăn, nguy hiểm và nhiều nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí đã phải trả giá cho hành động đấu tranh PCTN của mình. Một số các vụ án lớn báo chí hăng hái tham gia. Nhưng sau các vụ án đó thì chính các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí lại bị xử lý. Ở đây chắc chắn là có vấn đề gì đấy nhưng đến giờ chúng ta chưa giải mã được một cách đầy đủ” - nguyên thứ trưởng Bộ TT&TT nói.

Ông Doãn cho rằng giải pháp thiết thực, cụ thể nhất có thể làm ngay để tạo điều kiện tốt hơn cho báo chí tham gia vào công cuộc PCTN là thực hiện tốt Luật Báo chí. “Chúng ta thực hiện tốt chỉ Luật Báo chí thôi thì báo chí sẽ hăng hái làm (đấu tranh chống tiêu cực - PV) không biết mệt mỏi” - ông Doãn nói và nêu ví dụ như tại Điều 7 Luật Báo chí hiện hành xác định rất cụ thể “các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí” nhưng đây lại là vấn đề vướng mắc nhất bấy nay. “Thông tin về các vụ việc bên ngoài còn khó lấy huống hồ gì thông tin về tiêu cực, tham nhũng. Cái này còn lâu mới lấy được”, theo ông Doãn.

Nguyên thứ trưởng cho hay rất ít thấy có cơ quan nào chủ động để cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề tiêu cực, tham nhũng. “Ai đứng ra để công bố những tiêu cực trong chính cơ quan mình? Cái này khó lắm! Thế thì làm sao mà báo chí tiếp cận được. Có khi những thông tin bề ngoài báo chí nói sai còn bị đánh cho tơi bời, huống hồ gì thông tin về tiêu cực, tham nhũng. Đôi khi chỉ cần một chi tiết sai sẽ bị vin vào đó để phủ nhận toàn bộ” - ông Doãn nêu.

Phải tạo “tường lửa” bảo vệ nhà báo

Nguyên Thứ trưởng Doãn cũng cho hay vướng mắc nhất hiện nay trong cung cấp thông tin cho báo chí chính là người phát ngôn. Báo chí cần người phát ngôn cung cấp thông tin chính xác, hiệu lực. Thế nhưng vấn đề nan giải hiện nay là người phát ngôn không đúng thẩm quyền, đùn đẩy và né tránh báo chí”. Tuy nhiên, ông Doãn cũng cho rằng nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cung cấp cho báo chí thì các kênh thông tin khác như mạng xã hội sẽ nhảy vào thực hiện vai trò này. “Luật quy định mọi người đều có quyền cung cấp thông tin và được báo chí giữ bí mật chứ đâu phải chỉ là người phát ngôn mới được quyền cung cấp thông tin đâu” - ông Doãn nêu rõ.

Theo ông Doãn luật quy định báo chí có quyền thông tin theo nguồn tin của mình và chỉ cung cấp thông tin cho viện trưởng VKSND và chánh án TAND cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên khi có yêu cầu.

“Khi thảo luận xây dựng dự thảo Luật Báo chí mới thì nhiều người chất vấn tại sao báo chí lại có quyền to như vậy. Xin trả lời rằng là vì để bảo đảm sự độc lập tương đối và cũng là để bảo vệ an toàn cho báo chí khi tham gia vào các lĩnh vực vô cùng khó khăn” - ông Doãn cho hay.

Ông Doãn tiếp: “Tại sao chỉ có các cấp này mới được quyền yêu cầu báo chí cung cấp thông tin mà không phải là cơ quan điều tra? Cái này khi làm luật chúng tôi đã nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng. Đó là điều rất cơ bản để bảo đảm, bảo vệ cho nhà báo. Chứ cứ để cho các ông điều tra gọi lên rồi làm khó  thì căng lắm cho nhà báo”.

 

Lãnh đạo lớn, nhỏ như thế nào dân biết hết

Giờ đây chỉ cần đi bộ vào mỗi buổi sáng ở công viên thì mọi thông tin từ ông lãnh đạo to của đất nước đến ông nhỏ rồi vừa vừa, tới ông tổ dân phố đều có hết. Biệt thự nào của ông nào, ở hay chưa ở họ biết hết. Ban đầu thì mình cứ nói họ nhiều chuyện, đồn đoán chứ làm gì có nhưng hóa ra không có cái đã cho thấy đó đúng là sự thật. Hóa ra dân người ta nói đúng, người ta biết cả.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm