Lúc mọi người đều đã ngà ngà say thì anh Phan Văn Khang (cháu gọi ông Sổ là cậu) vỗ ngực: “Tôi vừa đi nghĩa vụ về, có học được một mớ võ, trong bàn có ai giỏi thì ra đấu võ với tôi”. Ông Sổ bước ra nhận lời thách đấu. Anh Khang liền lao tới đấm đá ông Sổ tới tấp. Dù đã bỏ chạy, ông Sổ vẫn bị anh Khang đuổi theo túm lấy chân trái của ông đưa lên cao rồi bẻ ngang. Thấy ông Sổ ngất xỉu, anh Khang mới dừng tay.
Ông Sổ bị bong gân và căng cơ phía trước, phía sau bị tổn thương dây chằng chéo khớp gối, kết quả giám định pháp y về thương tật của ông là 16%. Tuy nhiên, CQĐT Công an huyện Kế Sách ra thông báo không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng hành vi của anh Khang là vô ý. VKS huyện này cũng đồng quan điểm với CQĐT.
Theo tôi, đã gọi là thách đấu thì không thể coi là vô ý được, cho dù là vô ý vì quá tự tin. Thách đấu đồng nghĩa với việc thách đánh nhau, chấp nhận đánh nhau. Thực tiễn xét xử từ trước đến nay, các trường hợp thách đấu nhau trong đời thường đều bị xử lý là hành vi cố ý. Tuy nhiên, cần phân biệt thách đấu nhau trong đời thường với trường hợp thi đấu có tổ chức theo quy định của pháp luật như đấu vật, đấu võ. Ở các cuộc chơi hợp pháp này, người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra, tức là ngay từ trước khi hành động đã không mong muốn cho đối thủ bị thương tích mà chẳng qua chỉ do vi phạm luật chơi.
Trở lại vụ việc của ông Nguyễn Văn Sổ với anh Phan Văn Khang, đây không phải là cuộc đấu võ có tổ chức mà do uống rượu ngà ngà say nên một bên thách (anh Khang) và một bên chấp nhận lời thách (ông Sổ). Cuộc đấu này giữa hai người lại không có trọng tài. Ngay sau khi ông Sổ bước ra chấp nhận lời thách đố thì lập tức anh Khang liền lao tới đấm đá ông Sổ tới tấp làm cho ông Sổ không kịp trở tay. Mặc dù đã được bạn nhậu vào ôm căn ngăn nhưng anh Khang không dừng lại mà thục cùi chỏ làm bạn nhậu té xuống mương nước. Sau đó anh Khang tiếp tục đuổi theo ông Sổ, túm lấy chân trái của ông đưa lên cao rồi bẻ ngang. Chỉ đến khi thấy ông Sổ ngất xỉu, anh Khang mới dừng tay.
Trong trường hợp này, không thể nói anh Khang lỡ tay làm ông Sổ bị thương mà hành vi của anh Khang là hành vi cố ý (có thể là cố ý không xác định).
Việc khởi tố hay không còn tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên vì theo BLHS 2015, nếu phạm tội ít nghiêm trọng mà người bị hại tự nguyện không yêu cầu khởi tố và xét thấy việc khởi tố không cần thiết, bên gây thiệt hại đã bồi thường cho bên bị thiệt hại thì không cần khởi tố. Đây là quy định có lợi cho người phạm tội nên được áp dụng ngay, không cần BLHS 2015 được thi hành.