Đây là một sân chơi dành cho các đội U-23 tăng cường ba cầu thủ trên 23 tuổi và tất nhiên đội Olympic Việt Nam tham dự Asiad 18 vẫn giữ thành phần nòng cốt này.
Hồi Asiad 17 năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc), tuyển Olympic Việt Nam do HLV Miura dẫn dắt vào tứ kết. Dấu ấn lớn nhất ở vòng bảng, thầy trò Miura từng đánh bại Olympic Iran 4-1 và trở thành chiến công vang dội nhất của bóng đá Việt Nam ở sân chơi Asiad.
Vào tháng 8 tới, Olympic Việt Nam tham dự môn bóng đá với tư cách á quân U-23 châu Á, do chủ yếu là thành phần U-23 vừa tham dự vòng chung kết vừa rồi. Thành tích của U-23 Việt Nam rất đáng khâm phục nhưng có bảo vệ được ở đấu trường Asiad hay không là điều quan trọng. U-23 Việt Nam đang nằm trong hoàn cảnh đạt ngôi á quân đã khó, bảo vệ còn khó hơn. Đơn giản là các học trò ông Park sẽ khó chơi hơn tại Asiad khi đối thủ đã “khoanh vùng” và dành cho một sự tôn trọng đặc biệt. Họ cũng sẽ ứng xử khác khi gặp Olympic Việt Nam.
Bóng đá khu vực Đông Nam Á ở sân chơi Asiad cũng “ủ mưu” cao, như đội chủ nhà Indonesia nuôi mục tiêu vào bán kết. Tương tự, Olympic Thái Lan ít nhất phải ngang thành tích năm 2014 mà thầy trò HLV Kiatisak vào bán kết. U-23 Malaysia sau khi rời vòng chung kết châu Á với cách thi đấu rất ấn tượng, chỉ chịu thua Hàn Quốc 1-2 ở tứ kết cũng có chỉ tiêu cao ở đấu trường Asiad.
U-23 Việt Nam chắc chắn phải đưa ra một vị trí cao hơn bốn năm trước. Điều quan trọng là học trò ông Park cần nhanh chóng trở lại mặt đất và tiếp tục nâng cao trình độ qua chuyến tập huấn từ nay đến ngày 18-8 khai mạc Asiad.