TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN PHÚ TRỌNG:

Thách thức còn phía trước, tuyệt đối không chủ quan

Sáng 28-12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị trực tuyến cuối năm giữa Chính phủ với các địa phương.

Nhấn mạnh hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập một số vấn đề có tính chất tổng quát, gợi mở để hội nghị cùng suy nghĩ, trao đổi.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng và các đại biểu tới dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương.  Ảnh: VGP

Nhiều dấu ấn nổi bật

Tổng bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật.

Đáng chú ý, chúng ta đã ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19. Việc này được quốc tế ghi nhận, Việt Nam (VN) đã trở thành một hình mẫu về cách thức kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu.

“Đại sứ EU tại VN đã cho rằng ở lại VN thời dịch là một may mắn “xa xỉ”” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh chính sự thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

VN được đánh giá là một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020…

Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được duy trì, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước…

Cũng theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được củng cố, tăng cường.

“Mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong năm năm vừa qua…” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Theo xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế. Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh tăng từ 77 lên 67/141 quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Ông MAI TIẾN DŨNG, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ 

Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn

Đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng như trên nhưng Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu “tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được”. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2021 và nhiệm kỳ tới là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Cụ thể, Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý kinh tế tăng trưởng chậm lại, ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất, kinh doanh bị suy giảm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Đi cùng với đó, việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn…

Cũng theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, hệ thống tài chính - ngân hàng; công tác bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội đang đứng trước nhiều rủi ro, thách thức. Việc triển khai thực hiện một số chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đáng chú ý, công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, để xảy ra một số vụ việc gây bức xúc xã hội.

“Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo còn nhiều khó khăn, thách thức” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Đặc biệt, năng lực xây dựng thể chế, chính sách còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách còn thấp, thậm chí một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu.

“Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa tự coi mình là công bộc của dân - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, những kết quả, thành tựu của đất nước năm 2020 và cả nhiệm kỳ là công lao của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có công lao rất lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Ghi nhận, biểu dương và cám ơn những đóng góp này song Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị “tuyệt nhiên chúng ta không được chủ quan, tự mãn, say sưa với ánh hào quang của vòng nguyệt quế” khi khó khăn, thách thức đang còn nhiều; công việc nặng nề, phức tạp đang phía trước.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc: “Năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020”.

“Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng dành thời gian chia sẻ một số suy nghĩ về công tác cán bộ.

“Tất cả chúng ta, nhất là các cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền, tiền và một tài sản khổng lồ của đất nước lại đang sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước dẫn lại số liệu thống kê cho thấy trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng có 113 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số đồng chí bị xử lý hình sự. “Đáng lưu ý, trong số đó có đến 53 đồng chí công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang nhưng các vi phạm phần lớn là thuộc các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói thêm.

“Nhắc đến những con số này, chúng ta thật đau lòng. Chúng ta đã rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại rất khổ tâm, đau xót” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và cho rằng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

“Tôi chia sẻ với các đồng chí và mong các đồng chí hãy luôn luôn tâm niệm, nhớ rằng chúng ta là những đảng viên. Hơn nữa là những cán bộ rường cột của nước nhà, là công bộc của dân. Chúng ta hãy làm việc hết sức mình, trước hết, trên hết là vì dân, vì đất nước; luôn trau dồi, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, luôn tự soi, tự sửa lại mình để không xảy ra những điều mà không ai muốn” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và lưu ý nhiệm vụ trong thời gian tới hết sức nặng nề, phức tạp, “phải luôn đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường”.

“Chúng ta là những người trực tiếp quản lý một khối lượng tài sản lớn, tiền, đất đai… Tiền rất lớn, quyền cũng rất to. Môi trường tạo cho chúng ta thuận lợi để chúng ta làm việc nhưng nếu không cẩn thận cũng dễ mắc vào những cám dỗ mà không ai muốn cả” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh.

Theo ông, nếu để xảy ra điều này thì không chỉ Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị và nhân dân mất cán bộ, mà chính chúng ta cũng mất uy tín, danh dự, làm ảnh hưởng và mang đến nỗi đau không chỉ cho chính mình mà cả gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội của mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm