Điều này được đánh giá quan trọng, không chỉ nằm ở chỗ đó là sự kiện lịch sử, mà nó còn mở ra các cuộc đối thoại đi sâu vào kỹ thuật hơn dành cho các quan chức giữa hai nước. Dù vậy, việc hiện thực hóa các cam kết giữa hai bên không phải chỉ là chuyện cá nhân của ông Trump với ông Kim, mà là chuyện lợi ích quốc gia của Washington và Bình Nhưỡng, theo đó là nhiều quốc gia liên quan khác.
Nền móng trước mắt, đàm phán lâu dài
Từ bốn điểm trong tuyên bố chung Mỹ-Triều, quan chức ngành ngoại giao, quốc phòng, kinh tế của hai bên sẽ bắt đầu thảo luận vào các giải pháp hành động, các công cụ giám sát và phương pháp đánh giá với các hoạt động cụ thể đảm bảo thực hiện hiệu quả cam kết của hai nước.
Điển hình là việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tiếp tục làm việc với các đồng nghiệp Bình Nhưỡng để thực hiện các hứa hẹn hay cam kết của thượng đỉnh. Ông Trump nhấn mạnh rằng hai bên đã đồng ý phía Triều Tiên sẽ tháo dỡ một khu thử nghiệm động cơ tên lửa. Tổng thống Mỹ cũng nói rằng quá trình phi hạt nhân hóa sẽ bắt đầu diễn ra một cách “rất nhanh chóng”. Vấn đề này sẽ được thảo luận nhiều hơn ở những lần gặp gỡ tiếp theo giữa các nhà chức trách hai bên.
Ông Trump tuyên bố chắc chắn sẽ mời lãnh đạo Triều Tiên đến Nhà Trắng và hai nước có lẽ sẽ cần thêm một chương trình thượng đỉnh như lần gặp ở Singapore. Và rất nhanh chóng, ông Kim đã đồng ý.
Về phần Triều Tiên, thượng đỉnh lần này đã tạo cơ hội cho đất nước “khép kín” nhiều năm này có thể đối thoại một cách bình đẳng với Mỹ - vốn là một mục tiêu mà cả hai người tiền nhiệm là cha và ông nội của lãnh đạo Kim Jong-un chưa làm được. Các bước tiếp theo, Triều Tiên (và cả Hàn Quốc) đã có cơ sở (trên sự đồng thuận của Mỹ, ủng hộ của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế nói chung) để tiến hành các quá trình đàm phán, mang lại thỏa thuận hòa bình mà nhiều người kỳ vọng là “vĩnh viễn” cho bán đảo Triều Tiên.
Về vấn đề này, ông Trump không giấu mong muốn cả Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ cùng tham gia ký vào thỏa thuận cuối cùng thiết lập lại hòa bình cho khu vực này.
Như vậy, các động thái tiếp theo của cả Mỹ và Triều Tiên là vô cùng quan trọng, vì cả hai bên phải làm việc để xây dựng (và dựa trên) lòng tin - điều mà hai bên đã mất mấy mươi năm để có tương đối và sẽ bỏ nhiều tâm sức để bảo vệ.
Cú bắt tay lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump.Ảnh: AP
Hải quân Hàn Quốc và Mỹ tập trận chung tại cảng Pohang. Ảnh: AFP
Còn nhiều hoài nghi
Nhiều người hoài nghi về tính khả thi tuyệt đối của thỏa thuận Trump-Kim. GS Vipin Narang, chuyên ngành hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, nói giá trị lớn nhất của thượng đỉnh Trump-Kim vừa qua đối với cả hai nước chính là “đã có một chương trình thượng đỉnh”. Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dường như đều mong muốn làm được một sự kiện mà các chính quyền tiền nhiệm chưa bao giờ làm được - tạo ra một cuộc gặp hai bên.
Theo GS Narang, tuyên bố chung Trump-Kim quá mơ hồ đến mức những gì có thể được thực thi cũng không rõ ràng. Không có gì để đảm bảo Triều Tiên có thể tuân thủ đúng như thỏa thuận giữa hai nước. “Cần nhớ rằng Triều Tiên đã không hề đồng ý từ bỏ hay chấm dứt bất kỳ điều gì. Thực tế họ đã không cam kết điều gì cả, vậy lấy gì để chúng ta kiểm chứng?” - ông Narang nói trên kênh Vox.
Lập luận này không phải không có lý khi suốt mấy mươi năm qua, hạt nhân luôn đóng vai trò sống còn trong chính sách Triều Tiên, là vũ khí để nước này mặc cả với các nước, thậm chí là cường quốc như Mỹ. Một cuộc gặp thượng đỉnh, kèm theo các quả quyết “không giảm cấm vận khi Triều Tiên chưa phi hạt nhân hóa một cách “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”” chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ không mạo hiểm hay tin tưởng Mỹ như Libya cách đây 15 năm.
Trong khi đó về phía Mỹ, phải thừa nhận nước này đã tiếp cận vấn đề Triều Tiên “từ trên xuống” - một cách khác so với các chính quyền trước đây. Không khó nhận thấy sự mâu thuẫn giữa một bên là ông Trump, rất quyết tâm gặp ông Kim và bên còn lại là cố vấn và quan chức chính phủ Mỹ, vốn thận trọng trước Triều Tiên. Cách tiếp cận của ông Trump đã thể hiện hiệu quả khi buộc ông Kim cùng ngồi vào bàn thảo luận, làm giảm nhiệt khu vực mà cả hai chưa bao giờ đạt được.
Trường hợp xấu nhất Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ đạp đổ những gì họ đã có và theo GS Narang đó cũng không phải là một điều tồi tệ nhất trên thế giới. Nhưng hiện nay, nếu đặt quyền hạn của một tổng thống Mỹ vào việc thực hiện một thỏa thuận như vừa qua của Mỹ và Triều Tiên thì liệu có hiện thực hóa được hay không. “Tôi không thấy khả năng ông Kim từ bỏ các vũ khí hạt nhân của ông ấy nhưng Mỹ có thể sẽ đạt được những mục tiêu khác có ý nghĩa ngoài phạm vi này” - GS Narang nói.
Thật không dễ gì để đến được đây. Những gì xảy ra trong quá khứ như xiềng xích trói chân tay, những định kiến và cách hành xử cũ đã cản bước tiến của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả và gặp nhau như ngày hôm nay đây. Chủ tịch Triều Tiên KIM JONG-UN |