Tuyên bố chung thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm qua 12-6 không đề cập chi tiết giải trừ hạt nhân Triều Tiên ra sao. Dù thế, nhiều chuyên gia Hàn Quốc vẫn tin tưởng tuyên bố này là một khởi đầu ý nghĩa cho tiến trình thương lượng vấn đề vốn lâu nay chìm vào bế tắc.
Sau cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết sẽ giải trừ toàn diện hạt nhân bán đảo Triều Tiên nhưng không đề cập cụ thể thời gian hay phương pháp - vốn là các điểm mấu chốt.
Tuyên bố có phần gây bất ngờ cho giới quan sát. Ban đầu họ nghĩ ông Trump sẽ quyết liệt đến cùng tìm kiếm thỏa thuận giải trừ hạt nhân nhanh chóng và nghiêm ngặt, đặc biệt khi không lâu gần đây ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Người dân Bình Nhưỡng (Triều Tiên) đọc báo về cuộc thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều, ngày 12-6. Ảnh: GETTY IMAGES
Thành phần bi quan lo ngại việc không định nghĩa rõ cụm từ “giải trừ toàn diện” sẽ tạo khoảng trống mà Triều Tiên có thể lợi dụng để từ bỏ cam kết về sau, rằng Triều Tiên có thể định nghĩa giải trừ là di dời hoàn toàn mọi tài sản quân sự của Mỹ có thể đe dọa hạt nhân đến Triều Tiên. Các tài sản này có thể có tấm khiên hạt nhân mà Mỹ cung cấp cho Hàn Quốc, có nguy cơ làm tan vỡ liên minh Mỹ-Hàn.
Tuyên bố chung cũng không có lời lẽ đáp ứng yêu cầu Mỹ trước đó thường xuyên nhắc đi nhắc lại là “giải trừ toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược” (CVID) chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia Hàn Quốc, việc có được một thỏa thuận sau hàng năm trời bế tắc - dù là song phương hay sáu bên (cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga, Mỹ, Nhật đã bị ngưng từ năm 2009) - cũng là một điềm báo tốt đẹp. Thỏa thuận này sẽ dẫn tới sự hợp tác xây dựng lòng tin giữa hai cựu thù lâu năm tiến đến giải trừ hạt nhân.
“Tôi nghĩ việc thống nhất được một thỏa thuận như thế này ngay trong lần gặp đầu tiên là một kết quả rất có ý nghĩa” – chuyên gia an ninh Nam Chang-hee tại ĐH Inha (Hàn Quốc) nói với Yonhap.
“Dù chuyện giải trừ hạt nhân toàn diện có thể mất một thời gian dài nhưng Triều Tiên có thể sẽ hợp tác với tiến trình giải trừ này ở mức độ khiến thế giới hài lòng” – theo chuyên gia Nam.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều được đưa kín các mặt báo tại Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: GETTY IMAGES
Việc Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân theo tinh thần CVID là một cản trở chính. Triều Tiên xem đây là yêu cầu đụng chạm đến thể diện của mình, buộc mình phải chịu quy lụy Mỹ. CVID cũng là yêu cầu tranh cãi nhất trong các cuộc thương lượng hạt nhân trước.
Tuy nhiên, GS Koh Yoo-hwan nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Dongguk (Hàn Quốc) tin tưởng cụm từ “giải trừ toàn diện” mà Triều Tiên cam kết trong tuyên bố chung có giá trị tương đương CVID.
“Triều Tiên - như vẫn được biết đến - luôn phản đối mạnh chuyện dùng cách diễn tả này. Chuyện không diễn tả công khai CVID trong tuyên bố chung không có nghĩa chuyện giải trừ hạt nhân sẽ không diễn ra” – theo GS Koh.
Trong cuộc họp báo, ông Trump nói chuyện giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên sẽ sớm diễn ra ngay khi có cơ chế.