Kỳ vọng Việt-Triều sau cuộc gặp Trump-Kim

LTS: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un sắp có cuộc gặp lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm tại Hà Nội vào cuối tháng này. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa với an ninh bán đảo Triều Tiên, quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc mà còn mở ra nhiều triển vọng đối với ngoại giao Việt Nam. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bình luận của TS Nguyễn Việt Phương (ảnh), nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ).

TS Nguyễn Việt Phương

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn luôn được coi là quốc gia “anh em” với Việt Nam (VN) nhờ sự tương đồng về ý thức hệ giữa hai nước. Tình thân này còn xuất phát từ sự hỗ trợ tích cực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành trong chiến tranh VN với VN Dân chủ Cộng hòa.

Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Triều Tiên phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng kinh tế trong suốt những năm 1990 đến 2000. Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa hai nước vẫn được duy trì ổn định nhờ các chuyến thăm chính thức.

Tuy nhiên, giữa VN và Triều Tiên không có thành tựu nào đáng kể trong hợp tác kinh tế, văn hóa hoặc giáo dục như những thập niên trước.

Triển vọng hợp tác Việt-Triều

Việc Triều Tiên trực tiếp lựa chọn hoặc ít nhất là đồng ý với quyết định của Mỹ chọn Hà Nội làm địa điểm gặp gỡ lần thứ hai giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un cho thấy Triều Tiên thực sự muốn học tập kinh nghiệm cải cách và mở cửa kinh tế của VN. Điều này đúng như những tuyên bố của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho trong chuyến thăm VN cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2018.

Việc lựa chọn VN là điểm đến nước ngoài thứ ba của ông Kim Jong-un (sau Bắc Kinh và Singapore) trong vòng hai năm trở lại đây cũng cho thấy Triều Tiên tin tưởng vào mức độ an ninh, ổn định của VN. Bởi vậy đây là cơ hội cực kỳ thuận lợi để VN và Triều Tiên củng cố hơn nữa quan hệ ngoại giao bằng những động thái khác nhau. Ví dụ như trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế; gia tăng mật độ các chuyến thăm song phương của quan chức hai bên.

Tuy nhiên, hợp tác của VN phải nằm trong giới hạn cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên vẫn đang còn hiệu lực. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ sớm vận động dỡ bỏ các lệnh cấm vận.

Vì vậy, kịch bản khả dĩ nhất cho quan hệ hai bên sẽ chủ yếu dừng lại ở các hoạt động xã giao mang tính chính trị, hay các hợp tác về giáo dục, văn hóa chứ không thể tiến xa hơn đến việc hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học kỹ thuật, tăng kim ngạch thương mại song phương, hay đưa các nhà đầu tư VN vào xâm nhập thị trường còn nhiều tiềm năng của Triều Tiên.

Thậm chí đến  Hàn Quốc (HQ) cũng chưa thể đẩy mạnh chính sách “Ánh dương” hòa giải, hợp tác với Triều Tiên trong lĩnh vực kinh tế cũng là vì vấp phải rào cản cấm vận Liên Hiệp Quốc và sự phản đối từ phía Mỹ. Vì vậy, quan hệ Việt-Triều có khả năng thực sự bước sang một giai đoạn mới hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán của ông Donald Trump và ông Kim Jong-un tại Hà Nội sắp tới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho cuối tháng 11-2018. Ảnh: MOFA

Hứa hẹn chính sách dài hơi

Trong kịch bản lạc quan khi Mỹ nới lỏng, tiến tới gỡ bỏ cấm vận đối với Triều Tiên, VN đặc biệt có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận thị trường còn nhiều tiềm năng của nước này, nhất là về các lĩnh vực như viễn thông hay sản xuất hàng tiêu dùng.

VN trong tương lai gần hoàn toàn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp Mỹ và Triều Tiên tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước.

TS NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG 

Ví dụ, Triều Tiên hiện có nhu cầu phát triển dịch vụ di động, Internet và viễn thông rất lớn. Vì vậy, Viettel - tập đoàn với nhiều kinh nghiệm xây dựng hạ tầng viễn thông cho các quốc gia đang phát triển sẽ có rất nhiều lợi thế tại thị trường này. Do Triều Tiên là nước có trữ lượng khoáng sản và tiềm năng khai thác hải sản lớn nhưng lại yếu về sản xuất nông sản, quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu cũng sẽ là một hướng mà VN có thể đẩy mạnh với Triều Tiên. Ví dụ, VN có thể gia tăng nhập khẩu than, khoáng sản, hay hải sản từ Triều Tiên và đổi lại xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang quốc gia Đông Bắc Á này.

Trong dài hạn, VN cần xem xét đến việc biến hợp tác kinh tế với Triều Tiên trở thành một cấu phần của hợp tác kinh tế chung với bán đảo Triều Tiên. Bởi vì hiện HQ đã có quan hệ thương mại rất tốt với VN, vì vậy việc mở rộng quan hệ này sang Triều Tiên, một quốc gia gần gũi về mặt địa lý và có nhiều điểm tương đồng về mặt dân cư với HQ, là một việc hết sức cần thiết. Đây là nước đi VN cần tính tới vì chắc chắn nếu quan hệ kinh tế hai miền được khôi phục, các công ty HQ sẽ chuyển bớt đầu tư lắp ráp, sản xuất ở nước ngoài (trong đó VN đang là nước nhận được nhiều đầu tư nhất) về quốc gia láng giềng Triều Tiên.

Do vậy, để tránh phải cạnh tranh với Triều Tiên trong việc giành lấy các nguồn đầu tư từ HQ, Nhật Bản (một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Triều Tiên giai đoạn đầu thập niên 1990), VN cần linh hoạt phối hợp với Triều Tiên để giúp cả hai nước có chỗ đứng trong chuỗi sản xuất, cung ứng của các công ty lớn của HQ, Nhật Bản.

Đối với chính sách kinh tế, về trung hạn VN có thể chia sẻ với Triều Tiên các bài học về thu hút vốn đầu tư, quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài từ HQ, Nhật Bản. Đây là bài học Triều Tiên đang rất muốn áp dụng, nhất là khi VN đang được coi là trọng điểm đầu tư của cả HQ và Nhật Bản với nhiều cơ sở sản xuất có quy mô hàng đầu khu vực của Samsung, Canon.

Về dài hạn, VN nên tích cực chia sẻ các bài học về cải cách kinh tế, mở cửa xã hội. Bởi vì nếu thực sự ông Kim Jong-un có thể thành công trong việc triển khai chính sách cải tổ theo mô hình VN thì người dân Triều Tiên sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống. Ở bình diện khu vực Đông Bắc Á và châu Á-Thái Bình Dương nói chung sẽ có thêm một quốc gia chủ động, tích cực trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, ổn định khu vực. Nếu kịch bản này thực sự thành hiện thực thì đây sẽ trở thành một trong những đóng góp lớn nhất của VN trên trường quốc tế trong thế kỷ mới.

Cuối cùng, cần khẳng định rằng tuy bị chỉ trích trên góc độ pháp lý hay nhân đạo nhưng chương trình hạt nhân, tên lửa, hay khả năng tấn công mạng của Triều Tiên đã chứng tỏ năng lực khoa học kỹ thuật thực sự của quốc gia này. Vì vậy, hợp tác về khoa học - công nghệ và giáo dục cũng là một hướng khác mà VN cần khai thác trong quan hệ với Triều Tiên. Tất nhiên, luôn phải đảm bảo các hợp tác dạng này phải nằm trong khuôn khổ cho phép của luật pháp quốc tế và các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Việt Nam “kín đáo”, Mỹ-Triều đánh giá cao

Cho đến thời điểm này VN đã chứng tỏ rằng mình hoàn toàn có thể là chủ nhà đáng tin cậy của một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt như cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai. Giới chức VN trước sau như một đã luôn tỏ thái độ thận trọng trong phát ngôn, không để lộ các thông tin liên quan tới việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho báo giới hoặc bên thứ ba khác. Cụ thể là toàn bộ các thông tin liên quan tới việc lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức, hay các chi tiết về chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đều được “tiết lộ” cho báo giới thông qua các nguồn từ Mỹ hay HQ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao VN hay các cơ quan chức năng khác của VN chỉ phát ngôn sau khi đã có thông tin chính thức từ chính quyền tổng thống Trump (chính phủ Triều Tiên đến nay vẫn tương đối im ắng về sự kiện này). Thái độ thận trọng, kín đáo này của phía VN chắc chắn đã và sẽ được cả Mỹ và Triều Tiên đánh giá cao như một cầu nối tin cậy cho quá trình đàm phán của hai bên. Đây cũng sẽ là tiền đề để VN đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế có đòi hỏi cao về mặt bảo mật thông tin trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm