THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH:

Thách thức tôi luyện doanh nghiệp Việt thêm bền bỉ, kiên cường, sáng tạo

(PLO)- Ngày Doanh nhân Việt Nam là dịp để chúng ta cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đưa tin, Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, chiều 11-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Doanh nhân Việt chân thành, trách nhiệm rất cao

Sau khi lắng nghe phát biểu của đại diện doanh nhân Việt Nam và các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu kết luận. Chuyển lời thăm hỏi, tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đội ngũ doanh nhân,

Thủ tướng thông tin: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị Quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, với nhiều điểm mới trên tinh thần ủng hộ, giúp đỡ và làm điểm tựa cho doanh nhân Việt Nam.

“Tôi cảm nhận được sự chân thành, nhiệt huyết và trách nhiệm rất cao của các đại biểu tại cuộc gặp hôm nay, truyền cảm hứng, tạo động lực để sống và làm việc vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no”, Thủ tướng nói.

ttg-dnvn-thumb.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ngày Doanh nhân Việt Nam là dịp để tri ân, vinh danh các doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, ngày 13-10 hằng năm - ngày Doanh nhân Việt Nam là dịp để tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thủ tướng trích bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam ngày ngày 13-10-1945 và nhấn mạnh ý của Người rằng: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng".

Thủ tướng cũng trích dẫn Hiến pháp năm 2013 và nói đạo luật này đã khẳng định: "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa".

Các nghị quyết, văn kiện của Đảng cũng được Thủ tướng trích dẫn nội dung về doanh nhân và nhấn mạnh rằng: Quốc hội, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Tinh thần là hạ tầng thông suốt, chính sách thông thoáng, điều hành thông minh", Thủ tướng nói.

ttg-dnvn.jpg
Thủ tướng trò chuyện với các doanh nhân Việt Nam chiều 11-10. Ảnh: VGP

Sau khi nêu những con số khả quan về kinh tế Việt Nam sau 36 năm đổi mới, trong đó có đóng góp không nhỏ của giới doanh nhân, Thủ tướng cho rằng: bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội. Nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhắc lại những đóng góp của doanh nhân Việt Nam trong đại dịch COVID-19, cũng như những nỗ lực của doanh nhân trong tình hình khó khăn hiện nay, Thủ tướng khẳng định đội ngũ doanh nhân đã có đóng góp quan trọng trong nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân.

Chính phủ cam kết sát cánh cùng doanh nghiệp

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong 8 giải pháp được nêu ra có giải pháp “tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số”.

Với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng cũng đề nghị 5 nhiệm vụ cần thực hiện. Ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng phát triển Đảng tại doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; hoạt động đúng pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh.

ttg-dnvn-woman.jpg
Thủ tướng chụp hình chung với các nữ doanh nhân và gửi lời chúc mừng họ nhân dịp 20-10, ngày Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: VGP

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết.

“Tinh thần là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cụ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhìn suốt chiều dài lịch sử, Thủ tướng nhận định: “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước thử thách lại được tôi luyện thêm sự kiên cường, bền bỉ, bản lĩnh, sự linh hoạt và tinh thần đổi mới sáng tạo”.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn và ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các chỉ đạo điều hành để cùng nắm bắt cơ hội mới, vận hội mới, nâng cao năng lực nội sinh, góp phần vào xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm