Ngày 9-1, Ủy ban Cải cách Quốc gia Thái Lan thông qua một đề xuất xử tử các quan chức phạm tội tham nhũng.
Đề xuất được thông qua với tỉ lệ 155 phiếu thuận/162 phiếu chống. Theo đó, các quan chức tham nhũng với số tiền trên 1 tỉ baht (28 triệu USD) sẽ đối mặt với án tử. Các quan chức tham nhũng số tiền ít hơn 1 tỉ baht sẽ đối mặt hình phạt đến năm năm tù giam.
“Cuộc họp đã đồng ý biện pháp này. Chúng tôi sẽ xin ý kiến các nghị sĩ trước khi chính thức thực hiện” - theo một thành viên ủy ban.
Đề xuất này sẽ phải qua các cửa nội các chính phủ, Quốc hội, rồi đến Ủy ban Hiến pháp để tranh luận và thông qua, sau đó mới thi hành.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (trang phục trắng) đến tòa nhà chính phủ ở Bangkok (Thái Lan) họp nội các ngày 4-1. Ảnh: REUTERS
Chính phủ quân đội nắm quyền Thái Lan từ năm 2014 sau hàng tháng trời biểu tình dẫn đến đảo chính Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Công tác chống tham nhũng được đẩy mạnh từ đó.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, mục tiêu chống tham nhũng là nhằm vào các phe nhóm đối lập, vì công tác này không động đến các nhóm quyền lực chủ yếu của Thái Lan là hoàng gia, quân đội và tôn giáo, mà chỉ tập trung vào các nhóm đối lập.
Biện pháp cứng rắn trong đề xuất trên cũng là một cách chính phủ quân đội mong muốn sử dụng để tăng kiểm soát các phe nhóm đối lập, trong đó có các đồng minh của cựu Thủ tướng Thaskin Shinawatra - đang sống lưu vong sau khi bị đảo chính năm 2006.
Hiện cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaskin, đang trong quá trình hầu hòa vì liên quan đến chương trình trợ giá gạo thời bà điều hành đất nước, bị cho là làm thất thoát của chính phủ hàng tỉ USD. Bà Yingluck đối mặt với án tù 10 năm nếu bị buộc tội.