Thái Lan cho phép hộ gia đình trồng cần sa tại nhà

Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan cho biết các gia đình nước này hiện có thể trồng cần sa tại nhà với số lượng giới hạn là sáu chậu cho mỗi hộ, báo South China Morning Post đưa tin.

Đây là quốc gia đầu tiên trong khu vực hợp pháp hóa cần sa y tế, nới lỏng hơn nữa các quy định để thúc đẩy việc thương mại hóa loại cây trồng này.

Các gia đình có thể thành lập nhóm cộng đồng để trồng cần sa và cung cấp cây này cho các bệnh viện công, cơ sở nhà nước hoặc sử dụng loại cây này để làm thực phẩm và mỹ phẩm, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết trong một tuyên bố hôm 5-3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan cho biết các hộ gia đình nước này hiện có thể trồng cần sa tại nhà với số lượng giới hạn là sáu chậu cho mỗi hộ gia đình. Ảnh: REUTERS

“Cần sa và cây gai dầu đều là cây trồng kinh tế và nó là một lựa chọn mới để người dân địa phương để tạo ra doanh thu. Chúng tôi đang cố gắng giảm bớt các hạn chế để cho phép công chúng tiếp cận nhà máy dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hãy hợp tác và sử dụng nó một cách chính xác” - ông Anutin nói tại một hội chợ giáo dục cần sa tại tỉnh Buriram, Thái Lan.

Dù Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa y tế vào năm 2018, nhưng việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí vẫn bị cấm ở nước này.

Bộ trưởng ý tế cho biết, bất kỳ bông hoa và hạt cần sa nào thu được từ cây trồng tại nhà đều phải được gửi đến các cơ sở y tế của nhà nước. Phần còn lại của cần sa, bao gồm lá, cành và thân được phép sử dụng trong thực phẩm và mỹ phẩm kể từ tháng 12 năm ngoái.

Ông Anutin trở thành bộ trưởng y tế vào năm 2019 sau một cuộc bầu cử, trong đó trọng tâm chiến dịch tranh cử của đảng ông là hợp pháp hóa cần sa.

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhưng việc cho phép các hộ gia đình trồng cần sa là một bước tiến khác để tháo gỡ ngành công nghiệp này ở Thái Lan như cách mà Sri Lanka đã làm. Tại Sri Lanka, người dân cũng được trồng cần sa tại nhà với số lượng hạn chế và chỉ dùng cho mục đích y tế.

Philippines đang xem xét cho phép sử dụng loại cây này để điều trị bệnh động kinh. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia khác ở Đông Nam Á vẫn cấm sử dụng cần sa, thậm chí tại một số nước, việc trồng cần sa có thể bị trừng phạt bằng án tử hình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm