Tết là để về quê bên gia đình, nhưng có một đôi vợ chồng nghèo ở xứ Thanh đã mãi mãi không trở về. Giọt nước mắt, nỗi đau cứ lăn dài trên khuôn mặt của những đứa trẻ thơ ngây. Mong một bộ quần áo mới, một vòng tay ấm áp của cha mẹ sau những ngày tháng mưu sinh nơi đất khách quê người với các vĩnh viễn chỉ còn là một giấc mơ. Hạnh phúc, sự sống thật mong manh, khốn khó, và giờ đây những đứa trẻ phải gượng dậy bước đi những ngày tháng không cha mẹ. Và cái tết đã cận kề.
Tết - bố mẹ vĩnh viễn không về!
Tết đã về trên mọi nẻo đường Việt Nam nhưng ở vùng quê nghèo Quảng Cư (TX Sầm Sơn, Thanh Hóa) thì cái Tết đã trở thành nỗi đau, sự thương cảm cho số phận vợ chồng nghèo Nguyễn Văn Lượng (40 tuổi) và Lường Thị Lý (32 tuổi) bị đuối nước khi đang mưu sinh ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội).
Cái mưa như mỗi lúc nặng hạt hơn che lấp những con đường phía trước. Gió biển thổi ran rát, run rẩy lạnh đến cắt da thịt, chúng tôi tìm về gia đình vợ chồng nghèo ở thôn Thanh Thái. Những khuôn mặt của người dân nơi này như thêm nặng trĩu những nỗi buồn, u uất. Một người dân tâm sự: “Tết này cha mẹ các cháu đã không trở về nữa rồi! Chỉ tội những đứa trẻ giờ đây chúng sẽ sống ra sao khi không có bố mẹ bên cạnh, chăm ẵm, vun vén trên bước đường phía trước còn đầy những trông gai cám dỗ”.
Sau những lỗi rẽ quanh co, căn nhà của đôi vợ chồng nghèo nằm hun hút sâu trong một con ngõ, không khí tang tóc mỗi lúc một gần hơn và nỗi đau như tận cùng xé nát tâm can chúng tôi khi chứng kiến hai đưa trẻ nhỏ chít khăn tang. Dường như những đứa trẻ đã cạn khô dòng nước mắt suốt mấy đêm gào thét mong cha mẹ trở về.
Một người dân kể rằng, vợ chồng anh Lượng, chị Lý đều sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con nên cuộc sống đều phải tự lập bươn trải. Chính sự đồng cảnh ngộ bởi sự đói nghèo mà họ đã đến với nhau cùng chia sẻ, cùng vượt lên. Sinh được hai đưa con kháu khỉnh, cháu đầu Nguyễn Văn Lương (11 tuổi) và cháu Nguyễn Thị Linh (8 tuổi), hai cháu đều chăm ngoan học giỏi dù bố mẹ mưu sinh xa nhà.
Suốt những năm tháng mưu sinh trên mọi nẻo đường Hà Nội với ước mơ giản dị là kiếm tiền nuôi con học hành thành người, để sau này cho con đỡ bớt khổ hơn bố mẹ. Và niềm vui đến với vợ chồng nghèo được một ông chủ ở hồ sông Huê (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) tin tưởng giao cho trông nom hồ cá.
“Vì làm ruộng không đủ sống, ngày nó (chị Lý - PV) rời quê lên phố từng nói với hai con rằng: “Đời bố mẹ khổ mấy cũng chịu được, các con ở nhà với bà ngoại phải nghe lời, học giỏi! Ngày mẹ trở về sẽ mua quần áo và thật nhiều quà Tết”. Ấy vậy mà, chừ vợ chồng nó nuốt lời, mãi mãi không trở về nữa. Đau lắm!!!”, bà Hoàng Thị Tâm (mẹ chị Lý) nghẹn ngào quai đi ngạt những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má hốc hác, khô khốc.
Làm thêm vài ngày mua áo cho con
Trong căn nhà tồi tàn, rách nát tôi lại nhớ đến hình ảnh chị Dậu nghèo khó của những năm 1945, Lường Văn Thắng (bố ruột chị Lý) gượng dậy, gạt nước kể: “Vào khoảng gần giữa đêm ngày 23-1, khi đó tôi đang thì bất ngờ nhận được điện thoại của anh Huân (chủ hồ cá) hốt hoảng nói: “Vợ chồng thằng Lượng đánh bắt cá ở trên hồ mà giờ chẳng thấy người và thuyền đâu, chỉ thấy mỗi đèn pin dạt vào bờ”. Khi nghe điện thoại xong, trái tim tôi như ngừng thở, linh cảm chuyện chẳng lành đã đến với các con tôi.
Ngay trong đêm tôi cùng người thân ra đình thuê xe ra đến Hà Nội khoảng 3h sáng. Lần theo những tay lưới hai đứa con tôi thả đánh cá thì bất ngờ tìm thấy chiếc thuyền, rồi đôi dép con gái tôi. Tôi nhảy xuống hồ tìm con tôi mong rằng không tìm thấy để hy vọng hai đứa còn sống. Sau đó tôi nhờ người thuê thợ lặn đến tìm thi thể các con. Nỗi đau đã ập xuống gia đình tôi quá bất ngờ, ông trời thật nhẫn tâm đã cướp đi hai đứa con. Lúc đó khoảng hơn 11 giờ thi thể con trai tôi được vớt lên, rồi 3h chiều cùng ngày thi thể của con gái tôi cũng được vớt lên…rồi mọi hy vọng vụt tắt!
Giá như tôi không về quê trước lo sắm tết thì con tôi đâu phải chịu định mệnh quá cay nghiệt như vậy! Chừ hai đứa còn quá nhỏ để thấu hết nỗi đau mà chúng đang phải trải qua. Sau 4 năm lăn lộn, bươn trải ở Hà Nội, cũng chỉ là cố gắng làm thêm một vài ngày kiếm thêm manh áo mới cho con mà mãi mãi không trở về. Ngày định mệnh với bao nỗi đau còn lại ở phía trước”, ông Thắng kể.
Đón sinh nhật bằng… hai chiếc khăn tang
“Thay bằng đón những món quà, bánh sinh nhật cháu Nguyễn Thị Linh lại phải nhận “món quà” là chiếc khăn tang chít trên đầu. Ai đời này lại như thế không! Nghiệt ngã quá chú ơi”, một người hàng xóm tâm sự trong nước mắt.
Ngược thời gian bà Tâm (mẹ chị Lý) tâm sự trong nước mắt: “Cuộc sống khốn khó đã đeo bám chúng nó từ khi sinh ra đến khi lập gia đình, sinh con mãi không thôi! Đó cũng là lỗi một phần do vợ chồng tôi trước đây cũng nghèo nên không lo được cho con cái chu đáo. Vì thế mà từ ngày hai cháu chào đời, được sự dạy dỗ chăm ẵm của vợ chồng nó cả 2 cháu đều chăm ngoan, học giỏi nên chưa bao giờ làm tôi phải phiền lòng. Các cháu năm nào cũng học giỏi nên vợ chồng chúng xa nhà cũng an tâm về con”.
Nép bên cánh cửa nhà khi thấy người lạ đến, tôi đến ân cần ôm bé Linh vào lòng, với tất cả sự đồng cảm chia sẻ nỗi đau mà cháu đang phải gánh chịu. Nước mắt lại lăn trên khuôn mặt thơ gây của bé Linh, khiến tôi không thể cầm lòng. Cứ nghĩ cuộc sống, thân phận những người nghèo sao xót xa, bế tắc, đường cùng đến thế (?!). Bé Linh bảo: “Ngày sinh nhật cháu, khi vừa ăn tối xong thì bố mẹ cháu gọi điện về chúc mừng sinh nhật. Bố mẹ cháu bảo sẽ có thật nhiều quà cho cháu và mua áo mới cho anh Lương nữa. Nhưng từ nay, không bao giờ cháu được bố mẹ tặng quà nữa rồi”. Nói xong, bé Linh chạy vào bên cạnh bàn thờ (vừa được hàng xóm cho mượn), nhìn di ảnh của bố mẹ bằng ánh mắt ngây dại. Chứng kiến cảnh này, tất thảy mọi người có mặt ở đấy không ai cầm lòng được. Tôi thầm hỏi, tết này anh, em Lương và Linh sẽ ăn tết ra sao?. Rồi sau này nữa, tương lai và cuộc đời của hai đứa trẻ này sẽ trôi về đâu?!
“Hiện chính quyền địa phương đã làm tờ trình gửi lên các cơ quan chức năng về hoàn cảnh của cháu. Trước mắt xã đã hỗ trợ 3 triệu đồng, đồng thời huy động được 10 triệu từ nhân dân trong xã. Phía UBND thị xã Sầm Sơn đã kịp thời hỗ trợ 6 triệu đồng và Hội chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa 2 triệu đồng, gia đình ông Huân chủ hồ cá cũng đã hỗ trợ 20 triệu đồng và các chi phí khác. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ở địa phương giúp đỡ hai cháu có hoàn cảnh đặc biệt đáng thương này”, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cư, Lương Văn Hoàng, cho hay. |
ĐẶNG TRUNG