Thảm họa kép Indonesia: Câu chuyện của 1 du khách sống sót

Theo ông Sutopo Purwo Nugroho - người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thảm họa quốc gia Indonesia, có 71 người nước ngoài tại Palu thời điểm xảy ra thảm họa và đến lúc này chỉ mới có hai người được sơ tán an toàn đến thủ đô Jakarta, số còn lại chưa có thông tin.

Ông Ng Kok Choong 53 tuổi, một du khách Singapore đến Indonesia tham gia một cuộc thi dù lượn may mắn thoát được thảm họa.

Ông Ng Kok Choong (trái) sống sót sau thảm họa kép động đất-sóng thần ở Sulawesi (Indonesia) chiều 28-9 và quang cảnh Palu sau thảm họa (phải). Ảnh: NG KOK CHOONG

Theo lời ông Ng Kok Choong kể với CNA thì ông chỉ vừa rời khỏi khách sạn Mercure nơi ông ở tại Palu thì “mặt đất đột ngột rung lắc dữ dội”.

“Tôi ngã ngay xuống đất và không thể ngồi dậy. Tôi lăn tròn và thấy một chiếc xe ngựa gần đó cũng ngã nhào. Tôi thấy khách sạn rung lắc rất đáng sợ, bụi tung mù mịt khắp nơi và rồi khách sạn sụp đổ” - CNA dẫn lời ông Ng Kok Choong nhớ lại thời khắc kinh hoàng đã làm hơn 1.200 người chết tính đến tối 30-9.

Thời điểm đó ông Ng Kok Choong và người bạn Francois chỉ cách khách sạn Mercury 50 m.

Bụi tung mù mịt thời điểm khách sạn Mercure, nơi ông Ng Kok Choong ở bị sập. Ảnh: NG KOK CHOONG

Không lâu sau khi động đất xảy ra, ông Ng Kok Choong nhận thấy mặt biển không xa khách sạn ông ở thay đổi, sóng nước bắt đầu dâng cao - dấu hiệu của sóng thần.

Cả ông Ng Kok Choong và người bạn Francois nhanh chóng tìm chỗ cao để tránh sóng thần, cùng chạy ngược lại phía khách sạn Mercure đổ nát. Hai người gặp một người mẹ và một bé gái bị kẹt trong đống đổ nát của khách sạn.

“Họ la khóc và chúng tôi chạy về phía họ, cố kéo họ ra. Chúng tôi lôi được bé gái ra nhưng người mẹ vẫn còn kẹt lại” - ông Ng Kok Choong kể lại, thêm rằng thời điểm đó ông thấy sóng thần đang tiến vào đất liền rất nhanh.

“Bạn tôi bồng bé gái chạy. Anh ấy bồng bé gái leo lên một cái cây, cùng với cả cha đứa bé. Người mẹ đã không thể được cứu kịp” - ông Ng Kok Choong nói.

Người bạn Francois của ông Ng Kok Choong và bé gái mà hai người đã cứu. Ảnh: NG KOK CHOONG

Tình hình lúc đó, theo lời ông Ng Kok Choong mô tả rất “kinh hoàng và ồn ào đáng sợ” với tiếng gió rú rít, tiếng các đợt sóng đập vào và tiếng nhà cửa lắc đổ.

Ông tìm được một nơi cao và quyết định ẩn náu ở đó chờ sóng, nước rút đi. Thời gian này khoảng 30 phút.

Khi chắc chắn tình hình đã an toàn, ông Ng Kok Choong trở lại nơi người mẹ bé gái bị mắc kẹt dưới gạch đá khách sạn Mercure. Ông vẫn nghe được tiếng kêu cứu và rên la vì đau đớn của người mẹ vì bị một tảng bê tông lớn đè lên đùi.

“Tôi trở lại và chỉ ở bên cạnh cô ấy vì không thể làm gì được, tôi nghĩ cô ấy sẽ chết. Tôi chỉ cố gắng trấn an và làm cô ấy dịu lại. Tôi cũng cố gắng đẩy đống bê tông ra nhưng nó không di chuyển. Cô ấy bị kẹt ở đó chừng 1-2 giờ đến khi có thêm vài người dân địa phương đến giúp. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đẩy được bê tông và đưa được cô ấy ra”- ông Ng Kok Choong kể lại.

Khách sạn Mercure bị sập sau thảm họa. Ảnh: NG KOK CHOONG

Sau đó, ông được hướng dẫn đến một trung tâm khẩn cấp, gặp lại người bạn Francois và bé gái ở đó. Trung tâm khẩn cấp cung cấp nước uống và nệm cho ông và khoảng 40 người sống sót nghỉ ngơi.

“Có vài người khóc nhưng tình hình nơi đó nhìn chung bình tĩnh” - theo ông Ng Kok Choong.

Sau đó những người tổ chức cuộc thi dù lượn tìm thấy ông Ng Kok Choong và người bạn Francois. Hai người được đưa tới một cánh đồng bằng phẳng ngủ qua đêm.

 “Có thể cảm thấy chấn động cả đêm” - ông Ng Kok Choong nhớ lại. Có tới hơn 150 cơn dư chấn sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter chiều 28-9.

Palu sau khi hứng động đất và bị sóng thần tràn vào. Ảnh: NG KOK CHOONG

Ông Ng Kok Choong cho biết không thể liên lạc ngay với gia đình vì các hệ thống viễn thông bị hư hại sau thảm họa. Tuy nhiên rồi ông cũng liên lạc được với vợ ở Singapore và hướng dẫn vợ thông báo tình hình của ông với Bộ Ngoại giao Singapore.

Ngày sau đó, ông Ng Kok Choong quay lại khách sạn Mercure đổ nát cố tìm lại hộ chiếu của mình.

“Trên đường đi, tôi nhìn thấy các tuyến đường chính và bãi biển bị hư hại nặng. Các khu nhà tạm bị cuốn cả ra biển, nhà cửa xây dựng bằng bê tông thì sập, khắp nơi đổ nát” - theo lời ông Ng Kok Choong.

Quang cảnh Palu sau thảm họa. Ảnh: NG KOK CHOONG

Tới khách sạn đổ nát, ông tìm cây thang và leo lên tầng bốn, đập vỡ cửa sổ bằng búa, vào bên trong tìm hành lý, hộ chiếu.

Sau đó ông được máy bay không quân Indonesia sơ tán về thủ đô Jakarta. Theo lời ông Ng Kok Choong thì sân bay Palu chỉ mới mở cửa cho các chuyến bay quân sự, chở hàng cứu trợ, chưa thể khôi phục hoạt động các chuyến bay thương mại vì tháp không lưu bị sập.

Tới Jakarta, ông Ng Kok Choong đặt vé bay về Singapore. Ông về đến Singapore lúc 12 giờ 30 ngày 30-9.

“Tôi hạnh phúc được trở về nhà gặp vợ” - ông Ng Kok Choong nói với CNA.

Về tới Singapore, ông Ng Kok Choong nghe được thông tin năm người trong đội dù lượn của ông vẫn đang mất tích ở Palu.

Hai ông Ng Kok Choong (phải), Francois (trái) và một thành viên tham gia cuộc thi dù lượn tên Green (giữa) hiện vẫn còn mất tích. Ảnh: NG KOK CHOONG

“Một trải nghiệm thật sự sốc. Tôi nhận ra không ai có thể chuẩn bị đủ để đối phó một thảm họa động đất như thế. Các bạn có thể học tất cả kinh nghiệm đối phó khi động đất nhưng vào thời điểm nó đột ngột xảy ra, chấn động rất mạnh và bạn thậm chí không thể chạy được”.

“Tôi may mắn chỉ vì ra khỏi khách sạn trước khi nó xảy ra” - ông Ng Kok Choong thừa nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới