Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ thăm tàu siêu sân bay trên Biển Đông

Theo trang The Diplomat, trong hai ngày cuối tuần qua, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ - Đô đốc John Richardson đã có chuyến viếng thăm đến siêu tàu sân bay USS John C. Stennis, tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz, hiện đang hoạt động tại Biển Đông.

Siêu tàu sân bay USS John C. Stennis hiện đang hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Navy

Trang The Diplomat bình luận, chuyến tham quan 2 ngày của vị Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ có thể là một tín hiệu mà Washington muốn gửi đến Trung Quốc. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày một căng thẳng, động thái này có thể ngụ ý rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện trong vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương khẳng định chủ quyền.

“Mọi thành viên trong khu vực đều bày tỏ lo ngại về sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực. Khi tiếp xúc với các bên, tôi luôn tự tin rằng mọi chuyện đều sẽ ổn bởi vì chúng ta có tàu đội tàu tấn công John C. Stennis đang hoạt động tại Biển Đông”, ông John Richardson nói chuyện trước thủy thủ đoàn USS John C. Stennis. “Nước Mỹ muốn giảm thiểu căn thẳng trong khu vực, nhưng chúng ta cũng muốn mọi quốc gia trong khu vực có thể tự đứng lên và phát triển theo cách mà họ muốn”.

Ngày 5-6, tham mưu trưởng hải quân Mỹ tham quan tàu Stennis. Ảnh: Navy

Trước ông Richardson, lần viếng thăm gần đây nhất của một quan chức quốc phòng Mỹ tại tàu USS John C. Stennis chính là Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter. Lãnh đạo Lầu Năm Góc đã cùng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thăm siêu tàu sân bay này vào tháng 4-2016.

Cùng với sự hiện diện ngày một thường xuyên của tàu chiến và máy bay Mỹ trên Biển Đông, các lần đối mặt, chạm trán và rủi ro va chạm nguy hiểm giữa hải quân Mỹ và quân đội Trung Quốc cũng gia tăng. Tháng 5-2016, Bộ quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã điều động 2 chiến đấu cơ áp sát máy bay do thám EP-3 Aeris của Mỹ. Phía Mỹ lên án đây là hành động “ngăn chặn nguy hiểm”. 

Một thủy thủ đoàn trên tàu USS John C. Stennis giơ tay chào đón trực thăng đưa vị tham mưu trưởng lên tàu. Ảnh: Navy

Vụ việc này xảy ra chỉ vài ngày say khi tàu tên lửa USS William P. Lawrence của Mỹ tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh bãi Chữ thập (Trường Sa), bị Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo và quân sự hóa trái phép. Phía Mỹ khẳng định tàu USS William P. Lawrence chỉ đang thực hiện tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải.

Tuy nhiên, phát biểu tại diễn đàn an ninh khu vực “Đối thoại Shangri-La 2016”, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - đô đốc Harry Harris đánh giá các phi công Trung Quốc nhìn chung đang hành xử tích cực hơn trước. TờBloomberg dẫn lại bình luận của ông Harris: “Chúng tôi nhận thấy các hành động tích cực hơn từ phía Trung Quốc trong vài tháng qua. Nhìn chung các lần đụng độ nguy hiểm đều hiếm khi xảy ra”.

Khu trục hạm tên lửa hành trì USS Mobile Bay (phải) tham gia hộ tống tàu sân bay USS John C. Stennis hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Navy

Hiện siêu tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ đang thực hiện “hoạt động thường xuyên” của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Đội tàu sân bay tấn công còn có sự tham gia của một khu trục hạm Aegis lớp Arleigh Burke là tàu USS Chung-Hoon, tàu hộ vệ tên lửa USS William P. Lawrence, tàu chiến USS Stockdale, và khu trục hạm tên lửa hành trình lớp Ticonderoga là tàu USS Mobile Bay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới