Thẩm phán, hội thẩm vẫn chịu nhiều lệ thuộc

Tại hội nghị triển khai công tác ngành tòa án năm 2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã có một tham luận rất đáng chú ý về sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân trong xét xử. Tòa này đánh giá các bất cập làm hạn chế tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm tồn tại từ các quy định về tổ chức thực hiện hoạt động xét xử đến nhận thức của những người tham gia tố tụng.

Nhiều bất cập

Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, kinh phí hoạt động của hệ thống tòa án phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước khác, đồng thời phụ thuộc vào tòa án cấp trên. Tình trạng này khiến cho các tòa khó tránh khỏi sự tác động của các cơ quan nhà nước khác cũng như khó duy trì sự độc lập xét xử với tòa cấp trên.

Cạnh đó, dù Hiến pháp không quy định mối quan hệ hành chính giữa tòa án các cấp là mối quan hệ tố tụng nhưng trên thực tế vẫn tồn tại tình trạng tòa cấp trên quản lý tòa cấp dưới cả về tổ chức, tài chính lẫn chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ…

Cần nâng cao tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm trong xét xử. Ảnh minh họa: HTD

Cũng theo Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, nhiều thẩm phán và hội thẩm còn lệ thuộc vào quá trình điều tra, những thông tin, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Trong nhiều trường hợp, HĐXX phụ thuộc vào kết quả điều tra có trong hồ sơ vụ án, không quan tâm tới những ý kiến trình bày tại phiên tòa. Do đó quyết định của HĐXX còn mang tính áp đặt dẫn đến tình trạng xét xử oan sai, trái pháp luật…

Tham luận của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội cũng phân tích: Bên cạnh những thẩm phán được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, vẫn còn không ít thẩm phán còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu tự tin, sợ trách nhiệm, không tự quyết định được các tình huống khi xét xử. Vẫn còn trường hợp thẩm phán, hội thẩm vi phạm phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp, có những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới việc xét xử khách quan, đúng đắn của vụ án.

Dù vậy, việc pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể về việc giữ bí mật nghề nghiệp và quyền miễn trừ của thẩm phán vẫn là một thiếu sót. Điều này có thể gây rủi ro cho các thẩm phán trong hoạt động nghề nghiệp và ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập trong xét xử của tòa án.

Xây dựng quy chế giám sát thẩm phán, hội thẩm

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã đề xuất hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm trong xét xử. Theo đó, yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo cho tòa án độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong việc thực hiện chức năng xét xử. Tòa án có độc lập thì thẩm phán, hội thẩm mới có thể độc lập.

Để đáp ứng yêu cầu này cần phải giải quyết nhiều mối quan hệ: Giữa tòa án và các cơ quan quyền lực nhà nước khác; giữa tòa án với các cơ quan tiến hành tố tụng; mối quan hệ giữa các cấp tòa án, giữa lãnh đạo tòa án với các thẩm phán, hội thẩm - người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xét xử…

Vấn đề đáng chú ý là cần xây dựng quy chế quản lý, giám sát đối với thẩm phán và hội thẩm trong việc thực thi nhiệm vụ. Cụ thể, xây dựng chế tài hành chính để áp dụng đối với trường hợp thẩm phán và hội thẩm áp dụng pháp luật tùy tiện, theo ý chí chủ quan của mình, không đúng các quy định của pháp luật. Xây dựng nguyên tắc miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với thẩm phán nếu họ không phạm vào các tội thuộc Chương các tội xâm phạm đến hoạt động tư pháp của BLHS và tạo các điều kiện thuận lợi để các thẩm phán yên tâm thực hiện nhiệm vụ xét xử; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cơ quan tòa án, thẩm phán, hội thẩm và gia đình họ khi thi hành công vụ…

Bên cạnh đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội cũng kiến nghị tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán cần công khai, minh bạch, nghiêm ngặt, khắt khe và cạnh tranh, đồng thời có cơ chế đảm bảo sự ổn định trong nhiệm kỳ của thẩm phán.

Lương của thẩm phán như công chức

Theo Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, chế độ lương đối với thẩm phán các cấp không có gì khác biệt với chế độ lương của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp khác. Quy định này không phù hợp với đặc thù của nghề xét xử.

Đối với hội thẩm nhân dân, ngoài chế độ về trang phục, hội thẩm chỉ có chế độ bồi dưỡng phiên tòa 90.000 đồng/ngày nghiên cứu hồ sơ hoặc xét xử khi tham gia xét xử. Hội thẩm ngang quyền với thẩm phán nhưng một số chế độ của thẩm phán như phụ cấp công vụ, phụ cấp trách nhiệm nghề thì hội thẩm không được hưởng là bất hợp lý…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới