Không để lại vết tích

- Có lẽ nào lại do cậu thư ký, cậu chuyên viên? Họ tiếp nhận đơn xong tiện tay bỏ vào ngăn kéo rồi quên béng đi, không báo cáo cho sếp chăng?

- Quên một lần thì còn tin, đằng này đương sự đã trực tiếp đến cơ quan làm oan rất nhiều lần để gửi đơn, nhiều lần được cán bộ tiếp chuyện và hứa hẹn sẽ trình sếp xem xét, như thế sao có thể nói quên một cách nhẹ nhàng được!

- Thế mỗi lần nhận đơn, người ta có ghi cho ông ấy vài chữ “đã nhận đơn…, ngày tháng năm” và ký tên vào đó không?

- Không.

- Sao ông ấy không kiện dân sự ra tòa buộc cơ quan làm oan phải bồi thường?

- Kiện sao được mà kiện! Luật quy định chừng nào cơ quan làm oan thụ lý đơn yêu cầu bồi thường và thương lượng bất thành thì người bị oan mới được quyền kiện.

- Hiểu rồi. Đó là lý do vì sao người ta không chịu thụ lý. Mà đã như vậy thì dĩ nhiên không nên để lại bút tích biên nhận đơn làm gì cho rách việc…

- Ông nói làm tui liên tưởng đến một chuyện phiếm trên bàn nhậu quá…

- Chuyện gì?

- Một luật sư kể rằng mỗi lần trao đổi với kiểm sát viên hoặc thẩm phán, “hai bên” không dùng miệng, chỉ dùng tay và lại không dùng bút. Người viết lấy ngón tay chấm vào ly nước rồi viết lên mặt bàn, chữ viết sẽ khô ngay lập tức. Cứ thế hai bên “đàm phán” thoải mái, không hề để lại dấu vết gì, nội dung chỉ có trời biết, đất biết và “hai bên” cùng biết với nhau, rất hiệu quả, an toàn…

- Trời! Trao đổi cái giống gì mà bảo mật dữ vậy?

- Cái này làm ơn tự hiểu đi. À quên, xin nhắc lại, chỉ là chuyện phiếm thôi nhé.

NGƯỜI SÀNH ĐIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm