Sáng 21-9, TAND Tối cao tổ chức lễ công bố Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.
Bộ quy tắc gồm ba chương 17 điều. Bộ quy tắc quy định những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của thẩm phán; được áp dụng đối với các thẩm phán công tác tại TAND, TA quân sự các cấp; khuyến khích các thẩm phán đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác tự chấp hành các quy định của Bộ quy tắc.
Bộ quy tắc là cơ sở để Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử của thẩm phán, người được bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác và là một trong những căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với thẩm phán.
Ảnh minh họa: HĐXX một phiên tòa tại TAND TP Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM
Theo Bộ quy tắc, thẩm phán trước hết phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực, thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ.
Cạnh đó, Bộ quy tắc cũng dành một chương quy định cụ thể về những chuẩn mực đạo đức của thẩm phán. Cụ thể, về tính độc lập, trong quá trình giải quyết vụ việc, thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết vụ việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp để không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào.
Thẩm phán cũng phải độc lập với các thành viên của HĐXX; độc lập với những người tiến hành tố tụng khác; độc lập với các yếu tố tác động từ trong nội bộ và bên ngoài tòa án.
Thẩm phán không được can thiệp vào hoạt động tố tụng của các thành viên HĐXX và những người tiến hành tố tụng khác.
Về sự liêm chính, thẩm phán phải liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực. Thẩm phán không được lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cho mình hoặc cho người khác, không để các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức tòa án dưới quyền quản lý của mình đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác từ bất kỳ ai vì lý do liên quan đến công việc mà thẩm phán giải quyết.
Thẩm phán phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
Về sự vô tư, khách quan, thẩm phán phải vô tư, khách quan; thực hiện nhiệm vụ một cách đúng đắn, không vì lợi ích cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc.
Thẩm phán phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xét xét công khai tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết tất cả vấn đề của vụ việc.
Thẩm phán cũng không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.
Ngoài ra, Bộ quy tắc cũng quy định cụ thể các yêu cầu đối với thẩm phán về sự công bằng và bình đẳng, về sự đúng mực, về sự tận tụy và không chậm trễ, về sự năng lực và sự chuyên cần. Đáng chú ý, trong mọi hoạt động của mình, thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng; duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác. Tại phiên tòa, phiên họp hoặc trong văn bản tố tụng, thẩm phán không được đưa ra những nhận định gây xúc phạm người khác.
Bộ quy tắc cũng dành một chương quy định những nguyên tắc ứng xử của thẩm phán, gồm tám điều. Chương này quy định về ứng xử của thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ; ứng xử tại cơ quan; ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí; ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; ứng xử tại nơi cư trú; ứng xử tại gia đình; ứng xử tại nơi công cộng; ứng xử đối với các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử...