Ngày 12-11, Hội nghị chánh án các nước châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 13 đã khép lại. Phát biểu bế mạc, ông Paul De Jersey, Chủ tịch Ủy ban Tòa án hiệp hội luật châu Á - Thái Bình Dương, nói đây là hội nghị thành công rực rỡ nhất trong bốn kỳ liên tiếp gần đây ông tham gia điều hành. Theo ông, điểm nổi bật của hội nghị này là sự ủng hộ nhiệt tình của các nước thành viên vì một nền tư pháp tiến bộ. Ông đặc biệt đề cao, ngợi khen vai trò của nước chủ nhà Việt Nam trong việc tổ chức và thảo luận các nội dung tại hội nghị.
Nâng cao năng lực thẩm phán
Phát biểu tổng kết, Chánh án TAND tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình cho biết ngành tòa án Việt Nam đã tham khảo được nhiều kinh nghiệm từ thực tế của các nước. Theo ông Bình, bối cảnh cải cách tư pháp các nước đều có điểm chung là dù ở mô hình tổ chức nào thì mục đích của ngành tòa án vẫn là tính độc lập và minh bạch của hoạt động xét xử. Tính hiệu quả của hoạt động tư pháp thể hiện qua việc rút ngắn quá trình tố tụng để đẩy nhanh quá trình giải quyết án, rút gọn chi phí. Mấu chốt của những việc này là phải nâng cao năng lực xét xử của thẩm phán.
Chánh án TAND tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình phát biểu bế mạc.
Trước đó, Phó Chánh án thường trực TAND tối cao Việt Nam Đặng Quang Phương đã nêu những kinh nghiệm đạt được khi xây dựng và cập nhật Sổ tay thẩm phán. Kết quả là từ khi phát hành (năm 2006) và cập nhật cho từng thẩm phán đến nay, chất lượng xét xử được nâng cao, án bị hủy hoặc bị sửa giảm. Đặc biệt với các thẩm phán mới được bổ nhiệm, Sổ tay như một trợ tá chuyên môn đắc lực...
Thẩm phán độc lập khi xét xử
Tại hội nghị, các chánh án cho rằng tòa án phải độc lập so với các cơ quan quyền lực khác của nhà nước. Cá nhân các thẩm phán phải độc lập trong xét xử. Thẩm phán phải được đảm bảo nhiệm kỳ và đảm bảo việc bổ nhiệm dựa trên các tiêu chí khách quan. Đây là yếu tố tiên quyết đối với sự phát triển của hệ thống tư pháp.
Một vấn đề khác là việc đào tạo thẩm phán phải do chính tòa án thực hiện bởi hơn ai hết, tòa là người biết thẩm phán đang cần gì và cần được đào tạo như thế nào. Nhiều đại biểu còn đề xuất phương pháp đào tạo thẩm phán chung cho các nước như thành lập Trung tâm Đào tạo thẩm phán châu Á - Thái Bình Dương...
Vai trò của chánh án trong việc thúc đẩy các chức danh nghề luật và nâng cao đạo đức thẩm phán được chánh án Trung Quốc, chánh án Hong Kong (Trung Quốc), chánh án Solomon và chánh án Pakistan trình bày sôi nổi. Gút lại, hầu hết đại biểu đều cho rằng chánh án có vai trò to lớn trong việc xây dựng nền tư pháp minh bạch và không thiên vị để người dân tin tưởng vào tòa án. Tòa án có công khai, minh bạch mới tạo dựng được lòng tin của người dân. Đây là cơ sở để tòa án thực hiện quyền tư pháp, mang lại công lý cho xã hội.
Nền tư pháp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ Ngay sau khi kết thúc hội nghị, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Paul De Jersey, Chủ tịch Ủy ban Tòa án hiệp hội luật châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét hệ thống tư pháp Việt Nam đang ở trong một tiến trình phát triển mạnh mẽ. Nhà nước Việt Nam đang rất quyết tâm và có nhiều chủ trương quyết sách cụ thể để cải cách tư pháp. Đặc biệt, ông đánh giá rất cao tinh thần luôn học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với tất cả quốc gia trong khu vực để tiến tới một nền tư pháp tốt hơn. Ông Paul De Jersey đang trả lời PV Pháp Luật TP.HCM. |
THANH TÙNG