Ngày 16-9, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là rùa biển trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các ngành, địa phương, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh không tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, nhất là rùa biển (một trong những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ở mức độ cao nhất tại Việt Nam và trên toàn cầu).
Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nói chung và rùa biển nói riêng.
Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền và có kế hoạch, phương án phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Sở Công Thương, Sở VH-TT&DL, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất khẩu, vận chuyển, nuôi nhốt, sơ chế, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, tiêu thụ động vật hoang dã, đặc biệt là rùa biển, trứng và các sản phẩm, bộ phận của rùa biển không có nguồn gốc hợp pháp.
Chỉ đạo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ các bãi đẻ của rùa biển tại đảo Hòn Cau; kiên quyết xử lý những trường hợp gây ảnh hưởng đến hoạt động và sinh sản của rùa biển.
Theo dõi, giám sát và báo cáo tình hình thực hiện các hoạt động về bảo vệ rùa biển trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức bảo tồn tham gia công tác bảo vệ rùa biển tại địa phương.
Rùa biển về Hòn Cau sinh nở ngày một nhiều
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và công an địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát các quán ăn, nhà hàng, các chợ, điểm kinh doanh, hộ gia đình mua bán, nuôi nhốt, tàng trữ động vật hoang dã, nhất là rùa biển, trứng và các sản phẩm, bộ phận của rùa biển; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng vi phạm.
Sở VH-TT&DL chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau trong việc tổ chức đưa khách du lịch đến đảo Hòn Cau, tham quan các bãi đẻ của rùa biển, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rùa biển và trứng rùa biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quản lý, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là rùa biển trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời phản ánh những hoạt động tích cực, điển hình về bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, rùa biển của các tổ chức, cá nhân; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm liên quan đến rùa biển theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Công Lập, cán bộ Khu bảo tồn biển Hòn Cau, thủ lĩnh đỡ đẻ và giải cứu rùa biển ở Hòn Cau, cho biết từ đầu năm đến Hòn Cau đã đón năm đợt rùa về sinh nở với gần 400 rùa con đã được thả về với biển.