Theo đề nghị của UBKT Trung ương, thời gian vừa qua, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật hàng loạt tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, trong đó có một số trường hợp đảng viên là Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Uỷ viên bộ Chính trị…
Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiên quyết xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm hoàn toàn không có "vùng cấm" thời gian vừa qua cho thấy sự công minh, chính xác, kịp thời, trên tinh thần tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Vậy, trong thi hành kỷ luật, thẩm quyền cuả Bộ Chính trị được giao quyền như thế nào?
Với vấn đề trên, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định cụ thể về thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm.
Cụ thể tại Điều 11 quy định: “Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định”.
Theo quy định trên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) mà hình thức kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo thì thẩm quyền thuộc về Bộ Chính trị.
Còn vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật cách chức, khai trừ thì Bộ Chính trị không được giao quyền này mà thẩm quyền này thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có nhiệm vụ báo cáo để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
Cũng theo Quy định số 22-QĐ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả kỷ luật Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
Bạn đọc PLO tham khảo Quy định số 22-QĐ/TW tại đây