Những người tị nạn thuộc sắc tộc Rohingya (Myanmar) đã đánh nhau kinh hoàng với người tị nạn Bangladesh trên con tàu tị nạn trôi trên vùng biển Indonesia.
Họ tuyệt vọng tranh giành các khẩu phần ăn ít ỏi còn lại. Sau đó họ đã dùng dao, rựa, thanh sắt choảng nhau. Cả hai phe đều bị thiệt hại nặng nề. Quang cảnh trên tàu thật khủng khiếp. Máu loang khắp nơi.
Tại trại tị nạn ở cảng Langsa thuộc tỉnh Aceh (vùng tây bắc Indonesia), những người sống sót với thân thể tái nhợt đầy vết chém đã thuật lại câu chuyện như trên với hãng tin AFP.
Con tàu chở đầy ắp người tị nạn đã bị bọn đưa người vượt biên bỏ rơi hồi tuần trước sau khi không thể cập bến Thái Lan do Thái Lan đang mở chiến dịch trấn áp.
Cô Asina Begun người sắc tộc Rohingya đang cư trú tại trại tị nạn Langsa (Indonesia) ngày 18-5. Ảnh: AFP
Theo lời các nhân chứng, một số người đã bị chém chết. Một số khác quá sợ đã nhảy xuống biển. Những người may mắn đã được ngư dân Indonesia cứu đưa vào bờ.
Cả hai phe đều đổ lỗi cho nhau. Chị Asina Begun, 22 tuổi, người sắc tộc Rohingya kể: “Đột nhiên những người Bangladesh chạy lên boong phía trên rồi tấn công những người ở đó… Ai muốn sống chỉ còn cách nhảy xuống biển. Em tôi bị đánh rồi bị giết, sau đó chúng ném xác em tôi xuống biển”.
Anh Mohammad Amih là người Rohingya tố người Bangladesh đã tấn công khi họ muốn giữ số nước còn lại cho trẻ em uống.
Anh trốn trong đám phụ nữ nhưng bị phát hiện và bị đánh. Anh đã nhảy xuống biển, bơi đến tàu của các ngư dân Indonesia.
Những người tị nạn Bangladesh lại không thừa nhận như thế. Họ nói người Rohingya được thuyền trưởng ưu ái hơn. Thuyền trưởng chỉ trò chuyện bằng tiếng Myanmar và cung cấp cho người Rohingya nước uống, thức ăn. Khi họ đi xin ăn thì bị người Rohingya đánh.
Anh Mohammad Murad Hussein, 30 tuổi, người Bangladesh thuật lại người Rohingya được ngồi trên boong trên, còn những người khác ở boong dưới.
Khi người Bangladesh muốn lên boong trên, người Rohingya đã dùng rựa, nước nóng và nước tiêu cay tấn công. Ai lên được phía trên đều bị chém.
Anh nói: “Cuối cùng chúng tôi tính chúng tôi sắp chết tới nơi nên quyết đánh trả”.
Hai bên càng đánh nhau dữ dội, con tàu càng bị nước tràn vào và bắt đầu chìm. Lúc đó nhiều người đã nhảy xuống biển.
Trong khi đó, ngày 19-5, AFP cho biết con tàu chở khoảng 300 người sắc tộc Rohingya được nhìn thấy trôi dạt trên vùng biển Thái Lan năm ngày trước đã biệt vô âm tín.
Từ thông tin AFP công bố về con tàu này, thế giới đã chú ý đến làn sóng người tị nạn Đông Nam Á.
Chị Chris Lewa là nhân viên dự án Arakan (tổ chức bảo vệ quyền lợi người sắc tộc Rohingya) cho biết nhóm của chị tiếp xúc lần cuối với tàu vào tối 16-5. Từ đó liên lạc điện thoại bị ngắt.
Hải quân Thái Lan cho biết đã cung cấp cho tàu thực phẩm và nước uống rồi áp tải ra vùng biển quốc tế vì những người trên tàu đòi đi tiếp đến Malaysia, sau đó không còn thông tin nữa.
Indonesia và Malaysia từ chối bình luận về số phận con tàu này.
Rất nhiều người tị nạn xuống tàu ra đi từ hai tháng nay. Họ không thể liên lạc với người thân. Người thân không biết họ sống hay chết và cứ nghĩ họ đã đi đến nơi chứ không dè tàu thả trôi trên biển.
Ngày 19-5, các tổ chức của LHQ gồm Cao ủy LHQ về người tị nạn và Cao ủy Nhân quyền LHQ được Tổ chức Di dân quốc tế ủng hộ đã ra thông cáo chung kêu gọi Thái Lan, Indonesia và Malaysia không đẩy đuổi các tàu chở người tị nạn, tổ chức cho tàu vào bờ đến nơi an toàn đủ điều kiện tiếp nhận thích hợp. Thông cáo kêu gọi thiết lập quy trình lập nhân dạng những người cần được bảo vệ quốc tế với tiêu chuẩn người tị nạn. 100 người chết trong vụ đánh nhau giữa những người tị nạn sắc tộc Rohingya (Myanmar) và người tị nạn Bangladesh trên con tàu trôi dạt trên vùng biển Indonesia. Theo Reuters, 4.000 người tị nạn sắc tộc Rohingya và Bangladesh đang lênh đênh trên biển. Trong số đó có gần 50% nhồi nhét trên năm con tàu trôi hơn 40 ngày qua gần vùng biển Myanmar và Bangladesh. |