Tham tán thương mại chỉ cách xuất gạo qua Lào, Trung Quốc

(PLO)- Hiện đã có đường sắt cao tốc từ Viêng Chăn đến các tỉnh phía bắc Lào nên việc vận chuyển hàng hóa rất dễ dàng, tạo cơ hội cho hàng Việt tiếp cận với thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-5, Cục Xúc tiến thương mại và các Thương vụ Việt Nam tại ASEAN tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN.

Tại phiên tư vấn, bà Lê Thị Phương Hoa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào, cho biết Lào chỉ có 7 triệu dân, nhu cầu không lớn. Người Lào lại chủ yếu ăn gạo nếp, mặt khác Lào gần Thái Lan, nên họ lựa chọn sản phẩm từ Thái Lan nhiều hơn.

Tuy nhiên, bà Hoa nhìn nhận vẫn còn nhiều cơ hội cho gạo của Việt Nam khi sang thị trường này. Đó là Lào cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang các thị trường khác.

Theo đó, Lào sẽ xuất khẩu qua Trung Quốc 50.000 tấn gạo và đến thời điểm hiện nay Lào vẫn chưa đạt được hết số hạn ngạch này. Cạnh nữa, Lào nhận được nhiều ưu đãi từ EU, việc xuất khẩu gạo sang EU do vậy sẽ có nhiều thuận lợi.

"Hiện đã có đường sắt cao tốc từ Viêng Chăn đến các tỉnh phía bắc Lào nên việc vận chuyển hàng hóa rất dễ dàng, rút ngắn thời gian di chuyển. Doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có cơ hội phủ rộng hàng hóa đến các tỉnh bắc Lào"- Bà Hoa chia sẻ.

Từ đó, vị tham tán này cho rằng, khi phủ được hàng hóa ra khắp các tỉnh phía bắc Lào thì doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Trung Quốc. "Trong bối cảnh đường biển còn khó khăn, việc vận chuyển hàng hóa qua đường sắt cao tốc của Lào sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Đây là cơ hội cho hàng Việt" - bà Hoa nhấn mạnh.

Nhiều cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN. Ảnh: ANH HÀO

Nhiều cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN. Ảnh: ANH HÀO

Về thị trường Malaysia, bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, cho biết Malaysia là nước không có điều kiện thổ nhưỡng tốt để trồng lúa gạo. Nông nghiệp của họ tập trung vào trồng cây cọ dầu và cao su. Khả năng tự túc gạo của họ chỉ đạt 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Vì thế hàng năm họ phải nhập khẩu trên dưới 1 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ.

Hiện gạo Việt đang chiếm vị trí quan trọng nhất trong sản lượng nhập khẩu gạo hàng năm của Malaysia. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tỉ trọng nhập khẩu gạo từ Việt Nam của Malaysia đang giảm do giá thành cao hơn so với gạo Ấn Độ và gạo Thái.

"Tại Malaysia, Padiberasnasional Berhad là doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu gạo trắng dài, loại gạo tiêu thụ chủ yếu tại Malaysia. Do đó, gạo trắng thơm và dẻo nếp của Việt Nam vẫn có thể xâm nhập vào thị trường này" - bà Dung thông tin.

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết Indonesia cũng là nước sản xuất gạo lớn, nhưng họ vẫn phải nhập một lượng lớn gạo từ các nước cho dự trữ quốc gia. Các thị trường cung cấp gạo chính là Pakistan, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là loại gạo chất lượng cao.

Theo đánh giá của Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Indonesia, luôn nằm trong tốp ba các nước xuất khẩu gạo hàng đầu cho Indonesia.

Trong bối cảnh khả năng sản xuất gạo chất lượng cao của Indonesia còn hạn chế, các loại gạo thơm, ST 24, ST 25... hoàn toàn có thể gia tăng thị phần tại thị trường này trong thời gian tới.

"Tuy nhiên, với giai đoạn cạnh tranh gay gắt như hiện nay, công tác quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam cần được tăng cường hơn nữa. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gạo chất lượng cao lớn của Indonesia chưa biết đến các dòng gạo chất lượng cao của Việt Nam như ST 24, ST 25..." - ông Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm