Tham vọng quân chủng vũ trụ của Mỹ

Quân chủng vũ trụ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập sẽ không dễ thành hình, nhiều chuyên gia Mỹ nhận định. Tiến trình lập quân chủng thứ sáu bên cạnh năm quân chủng quân đội Mỹ hiện tại - lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến, tuần duyên - sẽ không đơn giản như ông Trump nói.

Lo ngại lãng phí

Đầu tiên, ông Trump không thể một mình lập quân chủng vũ trụ. Trong cuộc họp báo ngày 18-6, một nhà báo hỏi người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders rằng liệu có phải ông Trump nghĩ chuyện này có thể làm mà không cần Quốc hội thông qua hay không. Bà Sanders thừa nhận: “Chúng tôi mới ở giai đoạn đầu, sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dana W. White cũng nói đây sẽ là một “tiến trình thận trọng” với sự tham gia của Quốc hội.

Hiện tại Bộ tư lệnh Không gian Không quân Mỹ là đơn vị chịu trách nhiệm chính về an ninh quốc gia trên không gian. Ngoài không quân, hải quân Mỹ cũng có một đơn vị không gian - Bộ tư lệnh Hệ thống chiến tranh hải quân và Không gian, lục quân Mỹ có Bộ tư lệnh Phòng thủ tên lửa và Không gian.

Việc chuyển đổi trách nhiệm, nhân lực, ngân sách từ Bộ tư lệnh Không gian Không quân sang quân chủng vũ trụ rất phức tạp, cần có sự can thiệp của Quốc hội. Vì thế, theo ông Brian Weeden, Giám đốc kế hoạch chính sách không gian của tổ chức phi lợi nhuận Thế giới An toàn (Mỹ), chuyện lập quân chủng vũ trụ sẽ không đơn giản như ông Trump nghĩ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký “Hướng dẫn chính sách không gian” và chỉ đạo Bộ Quốc phòng lập quân chủng vũ trụ trong cuộc họp Hội đồng Không gian Quốc gia ngày 18-6. Ảnh: GETTY IMAGES

Từ trước khi ra chỉ đạo, ý tưởng này của ông Trump gặp không ít ý kiến phản đối từ ngay trong nội bộ chính phủ và quân đội Mỹ. Tháng 10-2017, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã công khai phản đối, rằng điều này không chỉ làm tăng chi phí mà thậm chí còn có thể giảm hiệu quả tập trung hợp đồng tác chiến giữa các quân chủng. Trong khi đó, Bộ trưởng Không quân Heather Wilson, Tham mưu trưởng Không quân David Goldfein và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Joseph Dunford nói rằng việc này chỉ lãng phí ngân sách và thời gian, không quân đủ sức thực hiện các nhiệm vụ không gian.

Tháng 6-2017, Ủy ban Quân vụ Hạ viện cũng từng đề xuất lập quân chủng vũ trụ nhưng vướng phản đối của các ông Mattis, Wilson, Dunford. Đề xuất sau đó phải bãi bỏ, thay vào đó Mỹ thực hiện một nghiên cứu về chuyện này, dự kiến sẽ trình bày Quốc hội vào tháng 8 tới. Theo nhà nghiên cứu cấp cao Theresa Hitchens, Trung tâm Nghiên cứu an ninh quốc tế tại ĐH Maryland (Mỹ), nghiên cứu chỉ là bước hoãn binh, hết nghiên cứu này sẽ lại có thêm nghiên cứu khác, chỉ để không phải nói thẳng khai tử ý tưởng này.

Nga, Trung Quốc sẽ không để yên

Lúc đưa ra chỉ đạo, ông Trump nói rõ tham vọng của mình là củng cố vị thế dẫn đầu của Mỹ trong không gian, luôn đảm bảo đi trước Nga và Trung Quốc trong bất cứ thành tựu không gian nào. Tuy nhiên, chuyên gia Weeden lo ngại cách nói khoa trương của ông Trump có thể khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, từ đó có thể cản trở sự hợp tác của Mỹ với các nước trong quản lý không gian. Nhiều nhà quan sát cũng lo ngại nếu Mỹ thành lập quân chủng vũ trụ sẽ có nguy cơ dẫn đến quân sự hóa không gian, thậm chí chiến tranh không gian.

GS Robert Farley, Trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế, ĐH Kentucky (Mỹ), dự đoán vì chỉ đạo mới này của ông Trump, tới đây Nga và Trung Quốc sẽ phát triển thêm vũ khí chống vệ tinh cũng như tăng khả năng cản trở Mỹ sử dụng không gian cho quân đội.

Ông Kingston Reif, Giám đốc chính sách giảm trừ quân bị và hạn chế đe dọa tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, thừa nhận có các thách thức an ninh thực sự trên không gian, cũng có khả năng xung đột. Tuy nhiên, theo ông, điều Mỹ nên làm để giải quyết các thách thức này là đối thoại, cả nội bộ và với các nước, chứ không phải lãng phí năng lượng, tiền của lập quân chủng vũ trụ. Mỹ cần nói rõ Mỹ sẽ và sẽ không theo đuổi gì trên không gian, cũng như Mỹ muốn các nước làm và không làm gì trên không gian, cố gắng thống nhất nguyên tắc chung.

Vì lo ngại này mà chuyên gia Hitchens cho rằng thống nhất nguyên tắc không gian quan trọng hơn nhiều lập quân chủng vũ trụ. Vì có quá nhiều điều không thể đoán trước nếu xảy ra xung đột ở không gian và hoàn toàn có thể vượt tầm kiểm soát của Mỹ.

Không phải lần đầu Mỹ muốn thống trị không trung

Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên có tham vọng Mỹ phải thống trị không gian. Ý tưởng lập quân chủng vũ trụ có từ thời Tổng thống Dwight Eisenhower, theo GS khoa học chính trị và quan hệ quốc tế John Logsdon tại ĐH George Washington (Mỹ). Sau khi Liên bang Xô Viết phóng vệ tinh đầu tiên Sputnik năm 1957, Mỹ cấp tập bàn phản ứng do lo ngại tên lửa Xô Viết đẩy vệ tinh lên không gian có thể sẽ chuyển thành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhắm vào nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều thành viên trong Ủy ban An ninh Quốc gia không ưng thuận ý tưởng này, đặc biệt là không quân Mỹ.

Tổng thống John F. Kennedy năm 1960 lật lại ý tưởng này nhưng rồi cũng bỏ qua. Theo GS Logsdon thì lý do vì ông Kennedy không muốn có nguy cơ xung đột trên không gian. Tổng thống George W. Bush cũng từng có tham vọng này năm 2006, và theo nhà nghiên cứu cấp cao Theresa Hitchens thì ý tưởng đơn phương và thuần túy dân tộc chủ nghĩa của ông Bush đã gây ra nhiều lo lắng. Ý tưởng này một lần nữa trỗi dậy vào gần cuối nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama, khi Nga và Trung Quốc thi nhau thử các loại vũ khí chống vệ tinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm