Kết thúc kỳ họp cuối cùng của mình, Quốc hội (QH) khóa XIII đã để lại “dấu ấn” đáng nhớ so với các nhiệm kỳ trước đó. Ấy là ngoài việc lập ra bộ máy nhà nước đầu nhiệm kỳ, đến cuối khóa, QH miễn nhiệm, rồi lại một lần nữa bầu ra hầu hết các chức danh quan trọng nhất của bộ máy nhà nước, thuộc cả ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, các thiết chế hiến định như kiểm toán, Hội đồng Bầu cử, Hội đồng Quốc phòng an ninh.
Cách làm này hợp hiến, tuân thủ pháp luật nhưng vẫn có một số điều cần xem xét, giải thích rõ thêm. Chẳng hạn như việc một số bộ trưởng không tái cử vào Trung ương ở Đại hội XI vẫn xác định sẽ tiếp tục thực hiện chức trách nhà nước một cách tốt nhất, đến ngày cuối của nhiệm kỳ công tác. Liệu việc thay thế sớm có gây ra những bị động nhất định cho các vị bộ trưởng? Phóng viên đã nêu vấn đề này tại cuộc họp báo sau khi bế mạc kỳ họp cuối QH khóa XIII sáng 12-4 và được Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc lý giải: Không ai bị động cả. Bởi tất cả đối tượng liên quan đều được thông báo trước. Về việc này, Phó Tổng Thư ký-TS Lê Minh Thông cũng cho rằng việc chuyển giao này không bất ngờ. “Các trường hợp không tái cử vào Trung ương thì từ trước đại hội đã biết rồi, đều chuẩn bị tâm thế rồi thì làm sao bị động” - ông Thông nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo. Ảnh: AN ĐĂNG
Tại buổi họp báo ngày 12-4, ông Phúc cũng cho hay QH khóa XIV sẽ kiện toàn lãnh đạo nhà nước tại kỳ họp thứ nhất (dự kiến vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới). Bốn chức danh cao nhất (gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng và chánh án TAND Tối cao) và nhiều chức danh khác sẽ được bầu mới. Khi ấy, các chức danh theo quy định của Hiến pháp phải tuyên thệ sẽ phải tuyên thệ lần nữa nếu trúng cử. “Lời tuyên thệ được ấn định trong Hiến pháp trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp, còn lại tùy vị trí có tuyên thệ riêng, ngắn gọn trong 1-2 phút” - ông Phúc nói.
Ông Thông cũng cho biết là có những vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy định pháp luật về nhiệm kỳ, về bầu cử. Chẳng hạn, tổ chức đại hội Đảng và bầu cử các cơ quan dân cử sát nhau hơn nữa.
Bởi câu chuyện khoảng trống thời gian giữa đại hội Đảng và bầu cử QH không mới. “Sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến cuối khóa QH XIII này, khoảng cách tuy chỉ là sáu tháng nhưng cũng là dài với quản trị quốc gia” - ông Thông bình luận.
Ngoài ra còn có việc theo quy định lâu nay là các vị trí lãnh đạo không được ngồi quá hai nhiệm kỳ. Vậy những người đã được bầu, phê chuẩn ở cuối QH khóa XIII này, mấy tháng tới lại đưa ra bầu, phê chuẩn lần nữa thì có phải là đã qua một nhiệm kỳ và làm tiếp khóa thứ hai không?
Liệu có cách khác không, chẳng hạn thay vì quy định nhiệm kỳ cho cả Chính phủ thì chỉ tính cho từng chức danh. Ai được bầu, phê chuẩn lúc nào thì tính bắt đầu nhiệm kỳ ngay lúc đấy, không phải gắn cứng với nhiệm kỳ QH nữa? Phó Tổng Thư ký QH Lê Minh Thông trả lời: “Đấy cũng là một phương án. Vấn đề là từ thực tiễn này mà nghiên cứu, đưa ra nhiều phương án mà cân nhắc. Nhưng phải rất thận trọng chứ không vội được. Tôi nghĩ QH khóa tới sẽ phải xem xét việc này”.