Ngày 22-12, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN) và cải cách tư pháp năm 2021.
Tham nhũng ở các lĩnh vực trọng điểm
Theo đó, năm 2021 Thanh Hóa đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 537 người trên địa bàn tỉnh và xem đây là biện pháp nhằm phòng, ngừa tham nhũng.
Năm qua, Thanh Hóa ghi nhận không có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu hoặc áp dụng các biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác.
Bùi Quang Hải cán bộ địa chính xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) bị khởi tố, bắt giam tháng 5-2021 về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ảnh: T. THANH
Tỉnh cũng ghi nhận không có trường hợp nào người đứng đầu, cấp phó để xảy ra tham nhũng ở đơn vị. Báo cáo của VKSND và TAND tỉnh Thanh Hóa cho hay, năm 2021, đã phát hiện tám vụ tham nhũng và 30 người liên quan với tổng số tiền, tài sản tham nhũng được phát hiện là hơn 11,78 tỉ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản tham nhũng được phát hiện qua các năm là 209 tỉ đồng. Hiện đã thu hồi được là 12,1 tỉ đồng, số còn phải thu hồi là 197,1 tỉ đồng.
Trong báo cáo phòng chống tham nhũng tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho hay tình hình tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Tham nhũng chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm là quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng tài chính, vốn, tài sản công.
Tham nhũng còn xuất hiện trong việc thực hiện xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo kê cho xã hội đen, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Đáng chú ý, việc công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai vẫn diễn ra ở không ít đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án. Từ đó, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp.
Tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra. Cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác lợi dụng nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc.
Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, năm 2022 phải có biện pháp kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác điều tra, truy tố xét xử, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Đ.TRUNG
Để ngừa tham nhũng, tỉnh này tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức công khai các nhóm lĩnh vực hay phát sinh tham nhũng.
Đặc biệt, sẽ tiếp tục luân chuyển cán bộ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể là đầu tư và mua sắm tài sản công, đất đai, tài nguyên, giáo dục đào tạo, y tế theo các quy định của pháp luật nhằm ngừa tham nhũng.
Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng pháp luật, không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
"Công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực gắn với ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác điều tra, truy tố xét xử, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử trên cơ sở tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong xử lý vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc kéo dài dư luận quan tâm” - Phó Thư tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định.