Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng đang dư thừa

(PLO)- Thanh khoản dư thừa nhưng doanh nghiệp lại khó tiếp cận vốn do thiếu tài sản bảo đảm, kế hoạch kinh doanh kém khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, hiện thanh khoản của hệ thống đang dư thừa 50.000 tỉ đồng so với mức yêu cầu tối thiểu.

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14 - 15%, cao hơn năm 2022, và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, thống kê từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính tới hết tháng 2 vừa qua mới chỉ tăng gần 0,8%, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, tỉ lệ nợ xấu của toàn ngành sẽ tăng nhẹ vào năm 2023, một phần do Thông tư 14/2021 của NHNN về cơ cấu thời gian trả nợ hết hiệu lực, cộng thêm với rủi ro từ kinh tế vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt.

Mặc dù các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Điều này cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp đang suy kiệt, đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ nợ xấu của ngân hàng có thể phình to.

Lãnh đạo một doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm chia sẻ: cùng là tài sản bảo đảm bất động sản cũ, nếu những năm trước khi đem thế chấp tài sản đó cho ngân hàng, doanh nghiệp sẽ được cấp hạn mức là 10 tỉ đồng. Nhưng giờ đây, ngân hàng lấy lý do là thị trường bất động sản đóng băng, thanh khoản kém…nên tự động hạ hạn mức cho vay xuống còn 6 tỉ đồng. Việc giảm vốn lưu động một cách đột ngột như vậy khiến doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay dòng vốn để thu mua nguyên liệu đầu vào, cũng như các khoản chi phí để duy trì hoạt động ở mức tối thiếu.

Đánh giá về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng: “Các ngân hàng hiện nay rất muốn giảm lãi suất huy động, vì không thể đẩy mạnh cho vay. Một phần do doanh nghiệp gặp khó khăn do giảm sút đơn hàng buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, cộng với sức mua trên thị trường kém.

Trong bối cảnh đó, cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân cũng không muốn vay lãi suất cao, đồng thời các ngân hàng cũng kiểm soát rủi ro. Hiện nay, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, kể cả với lãi suất kỳ hạn dài. Bởi từ nay đến hết quý 2-2023, mặt bằng lãi suất đầu vào giảm, trong khi tín dụng khó đẩy mạnh thì ngân hàng đối mặt chi phí tăng”.

Trong một báo cáo gần đây của nhà điều hành cho biết trong tháng 2-2023, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm và hiện đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Đối với lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm khá mạnh, nhất là nhóm bốn ngân hàng thương mại Nhà nước giảm từ 0,2 – 0,9%/năm tuỳ từng kỳ hạn.

Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm