“Giải cứu” gói hỗ trợ 40.000 tỉ lãi suất 2%

(PLO)- Các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi quy định trong Nghị định 31/2022 để gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng với lãi suất 2%/năm phát huy hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết năm 2022, giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% (quy mô 40.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước) theo Nghị định 31/2022 mới đạt hơn 134 tỉ đồng, tương đương 0,3% tổng nguồn lực.

Gói hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn sau dịch. Thế nhưng thực tế chính sách nhân văn này chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Chưa phù hợp thực tế

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết: Đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào tăng, chi phí lãi vay ngân hàng quá cao nên DN hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì một số DN lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh tra, kiểm tra.

“Dự báo trong quý II-2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Hưng nói thêm.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ này, chúng tôi đã nhận được báo cáo từ các tổ chức tín dụng, DN. Qua đó, chúng tôi nhận định có hai khó khăn: Thứ nhất là đánh giá khả năng phục hồi của DN; thứ hai là yếu tố thận trọng, e ngại từ chính phía DN”.

Theo ông Lệnh, có nhiều DN được ngân hàng nhận thấy đủ điều kiện để được hưởng gói lãi suất ưu đãi này và mời đến làm việc. Tuy nhiên, DN lại từ chối vì e ngại khâu hậu kiểm trong khi họ cũng đang được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý rồi.

Từ phía DN, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết: Hiện một số DN hội viên thông báo là ngân hàng đã giảm lãi suất. Song mức giảm không đáng kể, chỉ đâu đó 0,5%/năm và hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giữ quanh mức 10%/năm.

“Đây là mức lãi suất mà DN làm chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Chỉ khi nào mức lãi suất ngắn hạn về 7%-8%/năm thì may ra DN mới có lợi nhuận. Do đó, trong bối cảnh khó khăn này mà được vay gói 2% thì quá tốt nhưng khó tiếp cận là do DN không đủ điều kiện đáp ứng” - ông Phương nói.

Theo các chuyên gia, gói vay ưu đãi này chậm giải ngân sẽ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Ảnh: TL
Theo các chuyên gia, gói vay ưu đãi này chậm giải ngân sẽ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Ảnh: TL

Một số DN cũng cho rằng gói hỗ trợ lãi suất 2% “ế” trong khi DN khát vốn. Điều đó cho thấy thiết kế chính sách của gói hỗ trợ này chưa hợp lý, nhiều bất cập. Điển hình, sau hai năm đại dịch bao nhiêu tài sản nếu có cũng nằm trong ngân hàng hết, không còn tài sản thế chấp để vay gói ưu đãi này.

Không chỉ bị loại vì thiếu tài sản thế chấp mà đến quy trình, thủ tục để vay gói này cũng rất nhiêu khê, từ khâu đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… cho đến thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước.

Phải gỡ khó cho cả DN lẫn ngân hàng

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết: Một trong những tiêu chí để được vay gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm là khách hàng phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, bản thân ngân hàng không thể “đánh giá khả năng phục hồi” của khách hàng mà chỉ có thể đánh giá xem họ “có đủ điều kiện để được vay hay không”. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại không giao NHNN hướng dẫn tiêu chí này.

Do đó, nếu có hướng dẫn quy định “khả năng phục hồi” tức là “đáp ứng đúng, đủ điều kiện cho vay” thì các DN sẽ “dễ thở” hơn, bản thân ngân hàng cũng ít rủi ro hơn.

“Nếu không có hướng dẫn bằng văn bản cụ thể, chúng tôi đâu dám cho vay. Bởi nếu chẳng may không thu hồi được nợ thì không chỉ ngân hàng thiệt hại mà bản thân người phê duyệt khoản vay cũng mệt mỏi với các bước thanh tra, hậu kiểm” - vị lãnh đạo nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nêu quan điểm: Sau gần một năm triển khai mà gói hỗ trợ này mới giải ngân được 0,3% tổng nguồn lực là con số quá nhỏ. Điều đó cho thấy các điều kiện đưa ra chưa phù hợp với thực tiễn.

Mục đích của gói này là hỗ trợ DN nhỏ, DN yếu vượt qua giai đoạn khó khăn. Tức là phải thừa nhận rằng không ai trong số họ có sức khỏe bình thường, mà đều trong tình trạng “bị tổn thương”.

Theo ông Hiếu, tình trạng sức khỏe tài chính của nhóm DN này đang yếu như vậy mà các tiêu chí cho vay vẫn giữ nguyên, giống như DN khỏe mạnh thì làm sao họ đủ điều kiện để tiếp cận.

“Trong khi đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đặt nặng vấn đề hậu kiểm, cứ “dọa” thanh tra, kiểm toán thì chẳng có DN nào dám vay cả” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, cần phải có cam kết rằng cơ quan nhà nước chỉ thanh tra việc sử dụng tiền hỗ trợ như thế nào, có đúng mục đích sử dụng vốn vay không… để DN mạnh dạn tiếp cận gói hỗ trợ này.

Kiến nghị điều chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2%

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã đề nghị NHNN báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi quy định tại Nghị định 31/2022 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay. Từ đó tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc sửa đổi nghị định cũng mất nhiều thời gian trong khi DN lại đang khát vốn với lãi suất thấp. Chính vì vậy nên điều chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2%/năm chưa giải ngân được sang gói hỗ trợ khác. Ví dụ dùng nguồn vốn này hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất… cho các DN trong lúc họ đang gặp khó khăn như hiện nay.

Nhiều chuyên gia kiến nghị nên điều chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Ảnh: TL
Nhiều chuyên gia kiến nghị nên điều chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
Ảnh: TL

Đề xuất mở rộng đối tượng vay

Nếu để gói vay ưu đãi này chậm giải ngân sẽ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Mặc dù ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay nhưng để khơi thông nguồn lực này và để chính sách nhân văn này phát huy hiệu quả thì cần có quy định mở rộng đối tượng cho vay.

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm