Báo động kiểm soát rượu giả, rượu lậu
Dự án Luật Phòng chống tác hại rượu bia cho rằng cần thiết phải có luật chuyên ngành do rượu, bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người uống và có nguy cơ gây ra các vấn đề về kinh tế-xã hội, như: tai nạn giao thông, ngộ độc, phí tổn chữa bệnh…
Tuy nhiên, theo khảo sát của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor năm 2015 ước khoảng 28% đồ uống có cồn ở Việt Nam là sản xuất trái phép, không đóng thuế và không được kiểm soát… Trong số này, có 97% sản lượng và giá trị của đồ uống có cồn trái phép là rượu gạo, rượu lậu. Euromonitor còn cho biết, Việt Nam thất thoát khoảng 441 triệu USD/năm vì thiếu kiểm soát thị trường đồ uống có cồn trái phép mà chủ yếu là rượu lậu, rượu tự nấu.
Tại hội thảo do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 1-2018, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết nguyên nhân khiến ngộ độc rượu gia tăng là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép để bán cho người tiêu dùng. Trong số các vụ ngộ độc rượu do hàm lượng methanol cao chiếm hơn 32%; do rượu ngâm thuốc chiếm gần 18% và do rượu ngâm cây rừng độc chiếm gần 40%...
Rõ ràng, nguyên nhân chính dẫn đến những tác hại của bia rượu xuất phát từ hạn chế trong công tác quản lý chất lượng bia rượu trên thị trường, ý thức kém của các đối tượng sản xuất phi pháp và vì lợi nhuận cao. Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng nữa là thói quen của người tiêu dùng: mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn...
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch VBA, cho biết hiện Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ điều chỉnh mặt hàng rượu, bia. Và, nếu dự án luật nói trên được thông qua thì chỉ nên tập trung vào việc cấm đồ uống có cồn trái phép (rượu lậu, rượu tự nấu…). Bởi vì, chính những loại đồ uống có cồn trái phép này đã ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khoẻ người tiêu dùng; các chủ cơ sở sản xuất lậu tiếp tục trốn thuế và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Có thêm quỹ sẽ giảm tác hại rượu, bia?
Về vấn đề lập Quỹ nâng cao sức khoẻ, bà Nguyễn Thị Kim Thuý – Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Nếu gọi là Quỹ nâng cao sức khoẻ cộng đồng như dự thảo và bằng cách hợp nhất Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá thì chưa thuyết phục. Liệu có đánh giá được kết quả thực hiện mục tiêu về cải thiện sức khoẻ hay không khi lập quỹ này”, bà Thuý đặt câu hỏi.
Trong khi đó, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam lo ngại rượu, bia có thể sẽ tăng giá nếu các hãng phải đóng thêm một khoản vào Quỹ nâng cao sức khoẻ. “Ngoài việc đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp lại thêm gánh nặng đóng góp vào quỹ thì sẽ dẫn đến tăng giá bán sản phẩm, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều hơn. Hậu quả lớn nhất ở đây là khi giá sản phẩm tăng lên, nhiều người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm đồ uống có cồn trái phép với giá thành thấp hơn. Như vậy, việc thành lập quỹ sẽ dẫn đến tác động tiêu cực về kinh tế, làm giảm nguồn thu thuế và người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ sản phẩm đồ uống có cồn trái phép, có hại cho sức khỏe”, ông Matt nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành đang tích cực thực hiện nhiều chương trình truyền thông về uống có trách nhiệm rất sáng tạo và hiệu quả. Đơn cử, mỗi năm nhãn hàng Heineken dành 10% ngân sách truyền thông cho chương trình uống có trách nhiệm.
Năm 2017, hưởng ứng Năm An toàn Giao thông, nhãn hàng này đã thực hiện chương trình “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, được đánh giá rất có hiệu quả trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời mang đến giải pháp thực tiễn nhằm giải quyết vấn đề này.
Với đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khoẻ để phòng, chống tác hại của cả rượu bia và thuốc lá, ông Trần Quang Chiểu – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự án luật nói trên không có tính thuyết phục. Theo ông, nguồn lực nhà nước hiện đang bị phân tán nhiều qua các quỹ được lập và để ngoài ngân sách. Ngay với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đang hoạt động, hiệu quả quỹ này ra sao cũng cần giám sát, thẩm tra. Khi hiệu quả của các quỹ đang có chưa được đánh giá đầy đủ thì đề xuất lập thêm quỹ khác càng phải cân nhắc. “Đừng để nguồn lực nhà nước bị phân tán, không được kiểm soát chặt chẽ”, ông Chiểu nhấn mạnh.