Thành Long sắp bước sang tuổi 60 (anh sinh ngày 7/4). Đến với võ thuật từ rất sớm, trải qua 10 năm rèn luyện trong lớp học võ cùng hàng chục năm lăn xả trên phim trường, anh được công nhận là một trong những ngôi sao hành động vĩ đại nhất mọi thời. Nam diễn viên từng nói: "Tôi không muốn là Lý Tiểu Long thứ hai, tôi muốn là Thành Long đầu tiên". Bằng ý chí, tài năng và cả sự liều mạng, anh đã làm được điều đó.
Cậu bé lười học, mê võ thuật
Thành Long sinh năm 1954 ở Hong Kong. Bố mẹ Thành Long nghèo, ít học và luôn mong mỏi con cái không thất học như mình. Vì thế, họ rất coi trọng việc học văn hóa của con. Chỉ cần Thành Long muốn, ông bà sẽ làm lụng chu cấp cho con. Trái với mong mỏi của bố mẹ, Thành Long ham chơi, bướng bỉnh, nghịch ngợm và không thích đi học. Cậu bé suốt ngày cùng đám bạn trèo cây, leo tường, đánh nhau, chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ.
Trên lớp, Thành Long hết làm mặt hề, mặt quỷ tới ném đạn giấy, bị thầy cô phê bình. Về nhà, Thành Long không giả đau giả ốm thì cũng ngáp dài ngáp ngắn khi học bài. Kết quả, cậu không được lên lớp và đến bây giờ, Thành Long vẫn chưa học hết tiểu học.
Tài tử thừa nhận bằng cấp thấp kém của mình. Trong một lần phỏng vấn cuối năm 2013 - khi phim Câu chuyện cảnh sát 2014 công chiếu - Thành Long nói, từ nhỏ anh đã mơ ước làm cảnh sát nhưng học vấn quá thấp nên chỉ có thể thực hiện giấc mơ trong phim.
Thành Long thời trẻ. |
Thành Long mê xem phim võ hiệp. Thời đó, Tào Đạt Hoa, Vu Tố Thu là những ngôi sao võ hiệp sáng giá. Cậu bé sùng bái hai diễn viên này và muốn được thành công như họ.
Năm lên bảy (1961), Thành Long được bố đưa tới gặp võ sư Vu Chiêm Nguyên (1905-1997) - đồng thời là cha của ngôi sao Vu Tố Thu. Ban đầu, cha Thành Long đưa con đến cốt để dọa, nếu cậu không học hành thì sẽ cho đến đây chịu khổ. Tuy nhiên, cậu bé lại ngưỡng mộ các bạn vì cho rằng ngôi trường là "thiên đường" - không có sách vở, không có thầy cô, lại được chơi, được đánh đấm. Cậu năn nỉ bố cho cạo trọc đầu, ở lại học võ.
Ở trường của võ sư Vu Chiêm Nguyên, học trò phải cam kết rèn luyện ít nhất 5 năm. Nghĩ đến cậu con trai nghịch ngợm khó dạy dỗ, cha của Thành Long ký thỏa thuận để cậu luyện võ, diễn kịch 10 năm.
Sư phụ Vu Chiêm Nguyên dạy học trò theo lối cũ - quản lý ngặt nghèo và dùng roi vọt nếu trò không vâng lời, rèn không tốt. Những ngày đầu, Thành Long thường thấm thút khóc trong đêm. Cậu vô số lần bầm dập vì luyện tập hay những trận đòn của thầy.
Thời kỳ luyện võ
Thập niên 1960, Thành Long luyện võ trong lớp của thầy Vu Chiêm Nguyên. Hàng ngày cậu bé dậy lúc 5h và tập luyện cho tới 12h đêm. Đó là quy luật không được phép làm trái. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, Thành Long và các bạn thường thèm thuồng những bữa ăn ngon. Sang đầu thập niên 1970, ban ngày Thành Long đi làm, ban đêm về nhà thầy ngủ. Năm 17 tuổi, chàng thanh niên kết thúc 10 năm "khế ước".
Thời gian mới vào nghề, Thành Long đóng các vai không tên hay làm diễn viên đóng thế cho phim của hãng Thiệu Thị Huynh Đệ, với nghệ danh Trần Nguyên Long. Những lúc không có việc, Thành Long chơi bời, uống rượu, nhảy nhót... Nơi anh hay lui tới là hộp đêm. Làm nghề như Thành Long rất vất vả, nguy hiểm nhưng địa vị lại thấp kém. Để được để mắt tới, Thành Long luôn lăn xả, liều lĩnh trước những pha hành động. Trong phim Tinh Võ Môn (Lý Tiểu Long đóng chính), Thành Long vào vai một samurai Nhật Bản, bị Lý Tiểu Long đánh tơi bời. Lúc này, chàng trai chỉ xuất hiện loáng thoáng trong số hàng chục diễn viên đóng thế khác. Ở cuối Tinh Võ Môn, Thành Long đóng thế diễn viên chính trong cảnh ông này bị Trần Chân (Lý Tiểu Long) đá bay xuyên qua tường.
Sang năm 1973, Thành Long lại xuất hiện chớp nhoáng trong cảnh đánh đấm cùng Lý Tiểu Long ở phim Long tranh hổ đấu. Dù bị Tiểu Long sơ ý đánh đau, đây vẫn là kỷ niệm đẹp trong suốt cuộc đời Thành Long. Nam diễn viên từng chia sẻ trên chương trình truyền hình Best Story Ever (Câu chuyện tuyệt vời nhất) của Canada rằng: "Khi còn trẻ tôi có đóng cảnh đối đầu với Lý Tiểu Long trong Long tranh hổ đấu. Lúc đó tôi đứng quay lưng về phía ống kính. Nhiệm vụ của tôi là xông về phía Lý Tiểu Long và anh ấy ra tay. Bỗng dưng tôi hoa mắt vì bị gậy của anh ấy đập vào đầu... Lý Tiểu Long không tỏ thái độ gì, tiếp tục diễn cho tới khi đạo diễn hô dừng.
Sau đó, Lý Tiểu Long quăng cây gậy rồi chạy về phía tôi, đỡ tôi dậy và nói xin lỗi. Thực ra lúc đó tôi không đau nữa vì bấy giờ còn trẻ khỏe, cường tráng lắm. Nhưng khoảnh khắc đó, không biết vì lý do gì, tôi giả vờ mình rất đau. Tôi chỉ muốn Lý Tiểu Long ôm tôi càng lâu càng tốt".
Thành Long (bên phải) và Lý Tiểu Long trongLong tranh hổ đấu. |
Những năm tháng trai tráng đó, nhờ nhanh nhẹn lại dám dấn thân, các đạo diễn đều vui vẻ mời Thành Long đóng thế hoặc làm diễn viên quần chúng. Trước mỗi cảnh quay hành động khó, nhiều đạo diễn nhớ tới Trần Nguyên Long.
Vinh quang đánh đổi bằng máu
Năm 1975, Thành Long ký hợp đồng với công ty điện ảnh, bắt đầu được đóng chính. Những phim đầu của anh thất bại về doanh thu phòng vé. Đến cuối thập niên 1970, anh nếm hương vị thành công với các phim Túy quyền, Tiếu quyền quái chiêu, Xà hình điêu thủ…
Sang thập niên 1980, Thành Long ra mắt một loạt phim Long huynh hổ đệ, Kế hoạch A, Phi long mãnh tướng, Câu chuyện cảnh sát... Tất cả đều được đón nhận nồng nhiệt.
1982 là năm bước chân vào thị trường Hollywood của Thành Long. Tuy nhiên sản phẩm điện ảnh đầu tiên không mang lại kết quả như ý. Mãi tới năm 1994, với Đại náo khu phố Bronx (Rumble In The Bronx), anh mới thực sự gây ấn tượng. Tiếp đó, loạt phim Giờ cao điểm đưa tên tuổi Thành Long lên tầm cao mới.
Thành Long được công nhận qua hàng loạt tác phẩm ăn khách. Năm Hong Kong trở về Trung Quốc (1997), chủ tịch Trung Quốc bấy giờ - Giang Trạch Dân - gọi Thành Long là "Đại ca" khi hai người tham gia một bữa tiệc. Từ đó, anh được nghệ sĩ thế hệ sau và khán giả gọi là "Đại ca".
Thành Long cùng Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát hợp thành bộ ba "Song Châu nhất Thành" lừng lẫy của làng phim Hong Kong bởi cá tính điện ảnh riêng biệt, đặc sắc mà trong đó, ngôi sao Giờ cao điểm được thế giới biết đến rộng rãi hơn cả. Và cái tên Thành Long thường xuất hiện trong danh sách bình chọn "Những ngôi sao hành động vĩ đại nhất mọi thời" của các tạp chí uy tín thế giới.
Để đạt được vinh quang đó, Thành Long phải trả giá bằng nhiều lần vào sinh ra tử. Cuốn sách Thành Long truyện (tác giả Ôn Kiện Kiện, Lương Kiến Hoa, NXB Nhân dân Hồ Bắc) thống kê những lần bị thương nặng của Thành Long trong quá trình đóng phim. Qua đó cho thấy, hình tượng anh hùng mà nam diễn viên tạo dựng thành công trên màn ảnh được đánh đổi bằng chính máu thịt của tài tử.
Năm 1978, Thành Long bị đá vào mắt, xương lông mày tổn thương nặng khi đóngTúy quyền. Cũng năm này, khi đóng Xà hình điêu thủ, anh bị đá gãy một chiếc răng, cánh tay bị kiếm lia qua, máu chảy đầm đìa.
Năm 1980, khi đóng Sư đệ xuất mã, Thành Long bị va đập vỡ sống mũi, bị chém mạnh vào phần cổ họng, nguy hiểm tới tính mạng.
Năm 1983, khi đóng Kế hoạch A, anh bị thương nặng phần xương cổ, vỡ sống mũi.
Năm 1985, khi đóng Câu chuyện cảnh sát, Thành Long bị chấn thương nặng ở cột sống và xương chậu.
Năm 1986, khi đóng Long huynh hổ đệ, Thành Long rơi từ cao xuống, bị xuất huyết não, dẫn đến thính lực tai phải chỉ còn 20%. Năm 1990, khi đóng phần tiếp của phim này, Thành Long tiếp tục bị thương ở đầu.
Năm 1997, khi đóng Một người tốt (Mr.Nice Guy), Thành Long bị thương ở mũi. Anh còn bị rơi từ cao xuống, tổn thương xương cổ.
Năm 2001, khi đóng Đặc vụ mê thành, Thành Long bị thương ở phần xương cụt.
Đó chỉ là một phần trong số những lần bị thương của Thành Long. Thương tích đầy mình song anh chưa bao giờ chùn bước mà luôn muốn được đến phim trường, liên tục thử thách bản thân với những đỉnh cao mới.
Ảnh trên: Thành Long nhảy từ núi tuyết để bám vào trực thăng trongCâu chuyện cảnh sát 4. Ảnh dưới, Thành Long rơi từ đỉnh nhà thờ xuống, trongKế hoạch A. Thành Long do dự rất lâu trước khi quyết định thực hiện cảnh liều mạng này. |
Một lần sau khi được đưa vào viện điều trị vết thương, Thành Long đòi bác sĩ mau chóng cầm máu để anh về trường quay làm nốt việc, anh hứa hẹn: "Đợi đóng xong phim tôi sẽ quay lại đây chữa trị". Bác sĩ chỉ còn biết lắc đầu: "Anh ấy như người sắt, không sợ đau không sợ chết, thật không biết xử lý thế nào".
Khi cộng sự ái ngại vì Thành Long trở lại làm việc dù vết thương chưa khỏi hẳn, anh nói: "Chẳng sao đâu, bị thương với tôi như cơm bữa, chẳng việc gì phải đau khổ vì nó".
Thập niên 1970-80, vì kỹ xảo điện ảnh chưa phát triển, rất nhiều cảnh quay nguy hiểm diễn viên phải làm thật. Thành Long thừa nhận rằng: "Kỹ xảo của Trung Quốc không bằng của nước ngoài. Vì thế chỉ còn cách dùng nắm đấm mạnh nhất, những pha hành động liều mình nhất để đấu với phim nước ngoài. Và đấy cũng là cách ngu ngốc nhất để thắng phim của họ".