Thanh tra Bộ Công Thương nêu nguyên nhân khiến miền Bắc thiếu điện

(PLO)- Kết luận thanh tra của Bộ Công thương chỉ ra nhiều nguyên nhân thiếu điện, phải cắt điện diện rộng ở miền Bắc vào tháng 5 - 6 vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương về quản lý, điều hành cung cấp điện vừa mới công bố, các nhà máy nhiệt điện thiếu than, cơ quan điều hành vận hành hệ thống thủy điện chưa sát thực tế dẫn đến thiếu điện, phải cắt điện luân phiên diện rộng ở miền Bắc vào tháng 5, 6 vừa qua.

Nhiệt điện thiếu than, thuỷ điện vận hành chưa hợp lý

Theo đó, 5 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông bắc cơ bản cung cấp đủ khối lượng than cam kết tại hợp đồng mua bán than năm 2023 đã ký.

Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng thiếu than cục bộ ở một số nhà máy nhiệt điện tại thời điểm đầu năm và kéo dài đến tháng 5. Điều này thể hiện qua việc dự phòng nhiên liệu của các nhà máy ở mức thấp so với nhu cầu phát điện. Các nhà máy nhiệt điện thiếu than phần lớn thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN).

Cụ thể, tồn kho của các nhà máy nhiệt điện hầu hết đều thấp so với định mức tồn kho tối thiểu quy định của EVN hoặc của nhà máy nhiệt điện ban hành. Đặc biệt, một số nhà máy nhiệt điện có mức tồn kho thấp kéo dài và/hoặc giảm rất nhanh.

Ở nhà mất điện, người dân kéo vào siêu thị để tránh nóng tại Hà Nội, ngày 2-6. Ảnh: NT

Ở nhà mất điện, người dân kéo vào siêu thị để tránh nóng tại Hà Nội, ngày 2-6. Ảnh: NT

Tồn kho than thấp cũng khiến một số nhà máy phải dừng tổ máy trong nhiều ngày. Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), nhiệt điện Hải Phòng dừng 38 ngày/tổ máy; nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3 dừng 17 ngày/tổ máy; nhiệt điện Vĩnh Tân 2 dừng 29 ngày/tổ máy; nhiệt điện Vĩnh Tân mở rộng dừng 76 ngày/tổ máy.

Ngoài ra, sự cố xảy ra tại các tổ máy phát điện kéo dài, công tác xử lý sự cố chậm cũng gây ảnh hưởng đến cung cấp điện. Đơn cử như sự cố tổ máy S6 nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 kéo dài từ 16-3-2021 đến thời điểm thanh tra vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đưa vào vận hành. Sự cố tổ máy S1 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 kéo dài từ 19-9-2021, sự cố tổ máy S2 nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả từ 21-6-2022 đến thời điểm thanh tra vẫn chưa sửa chữa xong.

Đối với thuỷ điện, theo kết luận thanh tra, việc EVN chỉ đạo định hướng hạ mực nước các hồ cuối năm 2022 và huy động cao sản lượng thuỷ điện đầu năm 2023 gây ảnh hưởng tới điều tiết nước cho phát điện mùa khô 2023. Việc vận hành này được đánh giá chưa sát thực tế thủy văn khi dự báo lưu lượng nước về giảm 20-40% so với trung bình nhiều năm.

Vận hành các nguồn chưa nhịp nhàng

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho hay, tháng 4, khi xuất hiện nhiều yếu tố biến động xảy ra đồng thời như nắng nóng gay gắt, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đột biến, lưu lượng nước về hồ thuỷ điện giảm mạnh, nguồn nhiệt điện than không ổn định… khiến tình hình cung cấp điện xấu đi nhanh chóng.

Thế nhưng trong lúc cấp bách đơn vị điều hành lại không huy động được các nguồn điện than lớn miền Nam như Duyên Hải 2, 3, 3MR trong thời gian đầu tháng 4. Điều này dẫn đến các nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu tại miền Bắc phải khai thác bổ sung để truyền tải công suất từ miền Bắc vào miền Trung, miền Nam.

Hệ quả mực nước của một số nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc dự phòng công suất cho hệ thống điện.

Ngày 13-6, mực nước thuỷ điện Hoà Bình cách mực nước chết 22m. Ảnh: AH

Ngày 13-6, mực nước thuỷ điện Hoà Bình cách mực nước chết 22m. Ảnh: AH

Đến hết tháng 4, sản lượng tích nước trong các hồ thuỷ điện toàn hệ thống đã thiếu hụt 1,632 tỉ kWh, riêng miền Bắc thiếu hụt 576 triệu kWh so với kế hoạch. Thực tế vận hành, nhiều thời điểm tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc trong các tháng 5, 6 chỉ đạt hơn 17.000 MW, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện, dẫn đến phải thực hiện tiết giảm điện ở các địa phương khu vực miền Bắc trong tháng 5, 6.

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chưa làm tròn trách nhiệm

Thanh tra Bộ Công Thương cho rằng, EVN chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong lập kế hoạch, phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2023. Tập đoàn này và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chưa tuân thủ đầy đủ quy định về lập lịch, huy động, điều tiết các nguồn điện.

A0 chậm trễ trong ra lệnh điều độ, huy động nguồn điện thuộc quyền điều khiển; chậm kiến nghị EVN và cơ quan có thẩm quyền triển khai các giải pháp khẩn cấp khi diễn biến phụ tải, thủy văn thay đổi nhanh, gây ảnh hưởng cung ứng điện cho miền Bắc.

Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng được thanh tra chỉ rõ là chưa làm tròn trách nhiệm giám sát, kiểm tra, và đây cũng là một phần nguyên nhân để xảy ra tình trạng thiếu điện. Trách nhiệm thuộc về Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp và Vụ Dầu khí, than.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm