Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn từ ngày 15-6-2021 đến ngày 30-11-2023).
Nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn khuyết điểm
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu nhiều ưu điểm trong giải quyết TTHC của Đà Nẵng. Như việc UBND TP đã triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 68/2020 của Chính phủ, công bố công khai TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý.
Đà Nẵng ứng dụng phần mềm của hệ thống thông tin một cửa điện tử, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC. Từ đó hỗ trợ thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Tại ba Sở: TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng được thanh tra đã có nhiều nỗ lực, cố gắng giải quyết hồ sơ TTHC. Số lượng hồ sơ giải quyết rất lớn trên nhiều lĩnh vực quan trọng nhưng tỉ lệ đúng hạn cao, trong khi một số đơn vị còn ít biên chế nhưng phát sinh rất nhiều hồ sơ.
Theo Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức viên chức trong giải quyết TTHC tại Đà Nẵng còn hạn chế, thiếu sót, vi phạm.
Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng trình HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định chính sách có chứa TTHC nhưng chưa đủ nội dung của TTHC theo quy định tại Nghị định 63/2010 của Chính phủ.
Việc thực thi phương án phân cấp trong giải quyết TTHC (giai đoạn 2022 – 2023) trên một số lĩnh vực còn chậm, tỉ lệ đạt thấp so với phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc tổ chức vận hành bộ phận một cửa tại UBND TP còn hạn chế về hệ thống hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin. Việc số hóa dữ liệu chậm, chưa đạt mục tiêu số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực (đến năm 2023 mục tiêu đạt 70%, thực tế đạt 26,7%).
Công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết TTHC tại UBND TP Đà Nẵng chưa thực hiện thường xuyên, kết quả hạn chế, chưa chỉ rõ để chấn chỉnh kịp thời các bất cập, thiếu sót, vi phạm.
Kết quả thanh tra 13 TTHC và 12 hồ sơ giải quyết TTHC tại ba Sở: TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng phát hiện một số thiếu sót, vi phạm.
Cụ thể như: Quy định thành phần hồ sơ không đủ theo quy định; áp dụng thu phí khi văn bản quy phạm pháp luật chưa có hiệu lực; công bố quá thời hạn quy định và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia chậm thời gian quy định…
Việc báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ của 5/13 TTHC chưa phản ánh đúng thực trạng, thiếu chính xác. Đơn cử như có một TTHC báo cáo giải quyết quá hạn 25%, qua thanh tra là hơn 47,5%; một TTHC khác báo cáo quá hạn 0%, qua thanh tra là 37,5%.
Việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ giấy tờ ngoài danh mục thành phần hồ sơ quy định gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải đi lại, giải trình, bổ sung nhiều lần.
Các sở được thanh tra áp dụng hình thức rút hồ sơ để kết thúc hồ sơ khi chưa có quy định, có nguy cơ dễ bị lạm dụng để kết thúc quá trình xử lý đối với hồ sơ đã quá hạn; cần được rà soát, chấn chỉnh và hoàn thiện ngay hành lang pháp lý.
Chấn chỉnh, khắc phục để phục vụ dân tốt hơn
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nguyên nhân khách quan là khuôn khổ pháp luật về TTHC còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khối lượng công việc và nhân lực tại một số sở ngành tại Đà Nẵng chưa tương xứng. Bên cạnh việc giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử, công chức còn phải thực hiện trên bản giấy.
Nguyên nhân chủ quan là lãnh đạo UBND TP, thủ trưởng một số sở ngành còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về giải quyết TTHC.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm của những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Văn phòng UBND TP và các Sở: TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý khắc phục những tồn tại nêu trên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của cán bộ, công chức viên chức, người đứng đầu các sở ngành còn nhiều hồ sơ tồn đọng.
Nhất là những lĩnh vực có nguy cơ gây phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện hạn chế, thiếu sót để chấn chỉnh, xử lý.
Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng thực hiện kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP trực tiếp liên quan đối với những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý Nhà nước và giải quyết TTHC; trách nhiệm của lãnh đạo các sở ngành.