Ông Trần Văn Truyền |
- Ông Trần Văn Truyền: Việc thanh tra là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những công trình trọng điểm quốc gia, những dự án đầu tư vốn ngân sách lớn và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài lớn đều phải thanh tra.
Bên cạnh báo cáo của các ngành, các cấp, việc thanh tra sẽ đánh giá xem việc triển khai thực hiện có đúng pháp luật không, đúng quy trình quy phạm không và đặc biệt là tạo ra hiệu quả thế nào?
Dựa trên kết quả thanh tra, Chính phủ sẽ đánh giá xem việc đầu tư vốn ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội ra sao.
- Nếu phát hiện sai sót trong quá trình thực hiện dự án đường cao tốc TPHCM-Trung Lương thì sao? Ví dụ như con đường này vừa đưa vào sử dụng đã phát hiện sụt lún?
- Phát hiện sai sót thì đương nhiên phải kiến nghị xử lý. Nguyên tắc kiến nghị của Thanh tra là tùy vào tính chất sai phạm. Nếu quản lý thiếu sót dẫn đến hạn chế, thất thoát... sẽ kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và thậm chí có thể xử lý trách nhiệm của những người quản lý.
Còn nếu phát hiện hành vi tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng, như quyết toán khống hay thiết kế một đằng làm một nẻo, làm thất thoát tài sản nhà nước vào túi cá nhân sẽ kiến nghị xử lý khác.
Thanh tra sẽ xác định hiệu quả của đường cao tốc TPHCM - Trung Lương
- Tức là kiến nghị xử lý hình sự?
- Nếu phạm vào tội hình sự thì sẽ có truy tố hình sự và xử lý hình sự.
- Thưa ông, khi nào sẽ hoàn thành thanh tra dự án đường cao tốc TPHCM-Trung Lương?
- Việc thanh tra dự kiến kéo dài trong 60 ngày. Sau đó cần khoảng 1 tháng để hoàn thành kết luận thanh tra. Tuy nhiên, tinh thần chung là phải khẩn trương vì đây là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện chúng tôi mới thành lập đoàn thanh tra và sau khi thanh tra xong cũng cần có thời gian để đơn vị giải trình, kiến nghị cũng như thẩm định lại những vấn đề kiến nghị. Cố gắng đến tháng 9 tới sẽ hoàn thành.
"Đội" chi phí hơn 3.000 tỉ đồng Dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương là một bộ phận của tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ nối liền trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TPHCM với vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng chiều dài tuyến cao tốc là 61,9km, gồm 39,8km đường cao tốc và 22,1km đường nối, đi qua địa bàn TPHCM, Long An và Tiền Giang. Theo thiết kế, tuyến có 8 làn xe (mỗi làn rộng 3,75m) và 2 làn đường cho dừng xe khẩn cấp (mỗi làn rộng 3m). Tuy nhiên, ở giai đoạn một chỉ mới có 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Theo quy định, tốc độ tối đa ở làn cạnh dải phân cách giữa là 100km/giờ, tối thiểu là 60km/giờ. Tốc độ tối đa ở làn dừng khẩn cấp là 80km/giờ, tối thiểu là 50km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 6.555 tỉ đồng, khởi công năm 2004 và dự kiến hoàn thành vào năm 2008. Nhưng do không đảm bảo tiến độ nên đến tháng 2-2010 mới khánh thành và tổng vốn đầu tư được điều chỉnh lên hơn 9.880 tỉ đồng. P. D |
Theo Phạm Dương (NLĐ)