Sáng 16-1, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Toàn cảnh hội nghị diễn ra sáng 16-1. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đã thay mặt Thành ủy TP.HCM trình bày chương trình hành động về việc thực hiện Nghị quyết 31.
Cụ thể, Thành ủy TP.HCM chia ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện.
Đầu tiên, TP thực hiện việc nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân TP trong triển khai thực hiện Nghị quyết 31.
Quán triệt nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của TP là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng trên cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Luôn hướng đến xây dựng TP là trung tâm kinh tế tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, đào tạo, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu trình bày chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Kế đến, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
Trong đó, TP sẽ cơ cấu lại tổng thể kinh tế đặt trong mối quan hệ với vùng, cả nước và quốc tế; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.
Xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có chất lượng và giá trị gia tăng cao (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; công nghệ thông tin - viễn thông; khoa học - công nghệ; du lịch; logistics...).
Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng gắn với thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM; hỗ trợ phát triển đồng bộ các thị trường; thúc đẩy kinh tế tri thức...
Thực hiện chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế; hoàn thiện mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...
Thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng chính sách ưu đãi và xúc tiến đầu tư nhằm chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư trong nước và nước ngoài...
Nhóm nhiệm vụ thứ ba được TP.HCM tập trung thực hiện là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển đô thị TP.HCM theo hướng đa trung tâm nhằm giảm áp lực dân số, hạ tầng, bảo toàn cảnh quan khu vực nội thành cũ.
Chủ động thúc đẩy liên kết vùng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của TP...
Nhóm giải pháp thứ tư, TP.HCM tập trung phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình...
Đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Song song đó, tổ chức thực hiện cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hóa trong một số lĩnh vực. Áp dụng thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và khoa học - công nghệ.
Cuối cùng, TP sẽ triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các chính sách vượt trội được Bộ Chính trị đồng thuận, Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép để phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu phát triển TP trong giai đoạn mới.
Trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã báo cáo về nội dung của Nghị quyết 31.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, ngay sau khi Nghị quyết 31 của Bộ chính trị được ban hành, dư luận trong nước đã quan tâm và đón nhận hết sức nồng nhiệt. TP.HCM có nhiều sự phấn khởi, đầy niềm tin và hy vọng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã báo cáo về nội dung của Nghị quyết 31. Ảnh: THANH TUYỀN |
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết trước Nghị quyết 31, Bộ Chính trị đã ban hành ba nghị quyết quan trọng cho TP.HCM, đó là Nghị quyết 01/1982, Nghị quyết 20/2002 và Nghị quyết 16/2012.
Qua 40 năm thực hiện ba Nghị quyết của Bộ Chính trị, vai trò, tầm vóc của TP ngày càng được khẳng định rõ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện để Nghị quyết đi vào cuộc sống vẫn tồn tại những mặt hạn chế mà Bộ Chính trị qua sơ kết, tổng kết đã chỉ rõ.
Vì vậy, với Nghị quyết 31, Bí thư Thành ủy mong muốn cần đi sâu những điểm chính để vượt qua những tồn tại, yếu kém, hạn chế từng mắc phải, thực sự đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống...
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, nghị quyết đã được ban hành, vấn đề là làm sao để có thể thể chế hóa nghị quyết, phân cấp mạnh những gì có thể cho TP.HCM, giao lại quyền cho Chính phủ, bộ ngành phối hợp với TP để triển khai thực hiện.