Hôm nay (16-1), theo dự kiến, hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ diễn ra tại TP.HCM.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM, đánh giá nghị quyết này đã phản ánh đúng, rất sát với thực tiễn và nhu cầu phát triển của TP.HCM. Nghị quyết cũng đề ra những mục tiêu, giải pháp khá đầy đủ cho bước tiến của TP trong tình hình mới.
Mang đến sức bật mới về thể chế, chính sách cho TP.HCM
. Phóng viên: Theo bà, Nghị quyết 31 có ý nghĩa như thế nào với TP.HCM trong bối cảnh hiện nay?
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhiều lần nhấn mạnh Nghị quyết 31 là một nghị quyết rất quan trọng với TP.HCM trong lúc này; là nghị quyết có tính lịch sử, tạo bước ngoặt mới.
Đặc biệt, với nghị quyết lần này, Bộ Chính trị mạnh dạn giao cho các cơ quan chức năng phải ban hành quy định vượt trội để TP tự tháo gỡ vướng mắc và vượt qua khó khăn, vươn tới tương lai, xứng với đầu tàu kinh tế.
Trong nhiều cuộc làm việc với từng ban, ngành TP.HCM dịp đầu năm, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc nhở từng cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với TP.HCM. Cán bộ phải nhận thức sớm, trước và ý thức trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 31.
+ TS Nguyễn Thị Thiện Trí: Nghị quyết 31 được ban hành trong đúng bối cảnh TP.HCM đang cần được tháo gỡ về chính sách, thể chế.
Nghị quyết 31 cũng phản ánh đúng và rất sát với thực tiễn, nhu cầu phát triển của TP.HCM; đề ra những mục tiêu, giải pháp khá đầy đủ cho bước tiến của TP trong tình hình mới.
Nhìn tổng thể, Nghị quyết 31 có ý nghĩa và tầm vóc, mang đến một sức bật mới về chính sách và thể chế, là một dấu ấn sâu sắc trong lộ trình hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đô thị TP.HCM. Có thể nói nghị quyết mang lại cho TP.HCM nhiều kỳ vọng.
. Những kỳ vọng đó là gì?
+ Ưu điểm lớn của nghị quyết chính là đã phản ánh đúng điểm nghẽn đang hiện hữu trong tổ chức và hoạt động của chính quyền TP. Những thực trạng được đề cập đều rất thực tế mà TP.HCM đang đối diện và cần được tháo gỡ.
Điều đó cho thấy vấn đề đặt ra của TP.HCM không chỉ là vấn đề của một địa phương, mà nó mang tầm quốc gia, nó không phải câu chuyện mang tính giai đoạn mà mang tầm chiến lược, đòi hỏi một sự chuẩn bị, dọn đường về quan điểm, tư tưởng và quyết tâm lớn, bản lĩnh lớn.
Một điểm đáng chú ý của nghị quyết là đã thẳng thắn nhìn nhận những thực trạng, hạn chế, khó khăn, những gì chưa làm được của TP.HCM. Điều này cho thấy một hướng đi đúng từ chính những gì chưa đúng.
Những gì đặt ra trước mắt của chính quyền TP.HCM đã được nghị quyết hóa giải bằng hàng loạt giải pháp “trúng đích”. Những câu chuyện về ngân sách, về nhân sự, về thẩm quyền của chính quyền TP… đều được nghị quyết nêu rất rõ về giải pháp, đáp ứng sự mong đợi của TP.HCM hiện nay. Điều này cho thấy sự lắng nghe, kết nối, đồng lòng và sự đầu tư trí tuệ, tâm huyết của trung ương cho chính quyền TP.HCM.
Nghị quyết 31 đề ra những mục tiêu, giải pháp khá đầy đủ cho bước tiến của TP.HCM trong tình hình mới. Ảnh: HÀ THANH |
Đặc biệt, những gợi mở về chính sách mới cho tương lai TP là giá trị quan trọng, đặt ra kỳ vọng lớn về một sự đổi mới thực chất sau đó. Định hướng của nghị quyết chính là lời hồi đáp có sức mạnh lớn trong bối cảnh cả trung ương và TP.HCM đều đang nỗ lực tìm hướng đi mới cho chính quyền TP.
Từ định hướng này, chúng ta có niềm tin rất lớn vào một hệ thống thể chế mới về chính quyền đô thị TP mang tính toàn diện và căn cơ hơn so với trước đây và hiện nay. Thể chế ấy có thể cho phép TP phát huy được sự năng động, chủ động và tự chủ của chính quyền TP, xứng tầm một siêu đô thị về kinh tế, thương mại, dịch vụ của cả nước.
Mong đợi một cơ chế tự chủ thỏa đáng
. Nghị quyết 31 được ban hành như một sự mở đường, là chiếc chìa khóa cho việc ban hành chính sách pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP.HCM phát triển ở nhiều lĩnh vực. Nhưng những thách thức từ nghị quyết cũng không nhỏ, thưa bà?
+ Thách thức đó đặt ra cho cả chính quyền trung ương và chính quyền TP.HCM.Thực chất, điều mong đợi hơn ở nghị quyết chính là một cơ chế tự chủ thỏa đáng dành cho chính quyền TP.HCM.
Thể chế vượt trội mà nghị quyết thể hiện đó phải tương xứng với nhu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển vượt trội của TP.HCM.
Thách thức đặt ra cho trung ương là liệu sẽ có một sự cải cách nào xứng tầm dành cho TP.HCM sau Nghị quyết 31 và nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.
Với TP.HCM, tôi cho rằng những thách thức đó không phải là gánh nặng mà là động lực. Đặc biệt, khi thời gian qua TP.HCM đã có những sự trải nghiệm của mô hình quản trị đô thị từ hàng loạt thể chế, chính sách đặc thù dành riêng cho TP.
Nghị quyết này là một nguồn lực chính sách đắt giá không chỉ với hiện tại mà còn với tương lai của chính quyền TP.
. Vậy TP.HCM cần chuẩn bị gì để việc thực hiện nghị quyết đạt được hiệu quả cao nhất?
+ Trước tiên, điều TP.HCM cần làm là phải chuẩn bị nguồn nhân lực năng động, bản lĩnh và quyết tâm cao.
Tiếp theo, TP.HCM phải tranh thủ ở mức cao nhất những lợi thế chính sách từ Nghị quyết 31 trong quản trị, điều hành đô thị TP.HCM, minh chứng sức mạnh tự thân của cơ chế đặc thù dành riêng cho TP.
TP.HCM cần chủ động thiết kế lộ trình chính sách dành riêng cho TP sau Nghị quyết 31 và nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, nhằm bảo đảm sự liên tục và tạo đường đi chiến lược cho chính quyền đô thị TP.HCM.
. Xin cám ơn bà.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ Nghị quyết 31 là định hướng quan trọng về mặt chủ trương, chính sách đối với TP.HCM và định vị vai trò, vị trí của TP.
Chủ tịch UBND TP cho biết sẽ tích cực cùng Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành khác chuẩn bị nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, trình Quốc hội trong kỳ họp tới về cơ chế phát triển TP.
Trong buổi triển khai công tác ngành nội vụ TP năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao Sở Nội vụ TP làm đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đề án này, ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Nội vụ quan tâm đến việc đổi mới công tác tuyển dụng, thi tuyển để lựa chọn những nhân tố xuất sắc vào bộ máy.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: TT |
Ông Mãi cũng gợi mở Sở Nội vụ cần nghiên cứu triển khai các buổi sinh hoạt, gặp gỡ giữa lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân cùng trao đổi về một chủ đề, tương tác giữa khu vực công và khu vực tư để lắng nghe, hiểu biết, học hỏi và cùng làm việc thuận lợi.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng đề nghị ngành nội vụ phải tư duy rộng hơn, lớn hơn để tham mưu cho Thành ủy, UBND TP tổ chức mô hình chính quyền ở TP phù hợp khi có Nghị quyết 31.