Wallaby là loài bản địa của nước Úc, con lớn nhất cao khoảng 1,8 m tính từ đầu đến đuôi với cân nặng khoảng 30 kg. Ở giai đoạn phôi thai, Wallaby con còn đỏ hỏn không có lông, chưa nhìn thấy được và chỉ bé bằng cỡ hạt đậu. Sau chừng 4-5 tuần thai nghén, chúng chuyển vào túi của con mẹ và bắt đầu được bú sữa mẹ trong 6-8 tháng. Chúng sẽ ở trong chiếc túi ấm áp ấy cho đến khi phát triển cứng cáp, lông bắt đầu mọc, nhìn thấy được và có khả năng nhảy thì mới ra ngoài. Lúc này, chúng chỉ chui vào trong túi để ngủ hoặc khi cảm thấy bị đe dọa.
Các cá thể Kangaroo vừa gia nhập Thảo Cầm viên Sài Gòn
Với sếu Nhật Bản (hay còn gọi là sếu đỉnh đầu đỏ), là loài sếu lớn và hiếm thứ hai trên thế giới. Tại Đông Á, sếu Nhật Bản được coi là biểu tượng của sự may mắn, trường thọ và tính trung thực. Chúng có chiều cao khoảng 140 cm, cân nặng khoảng 7-10 kg, con lớn nhất có thể lên đến 15 kg, chúng thường sống tại các đầm lầy. Khi trưởng thành chúng có màu trắng tuyết với một vệt dài màu đỏ trên đỉnh đầu. Hằng năm, chúng di cư tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Á khác để trú đông.
Cặp sếu Nhật Bản có bộ lông trắng, đầu đỏ khá đẹp
Hiện Thảo Cầm viên Sài Gòn đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 1.200 cá thể động vật thuộc 135 loài. Đa số là những loài thú quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như báo lửa, hổ Đông Dương, trĩ sao… một số loài đã sinh sản tốt trong vườn thú như trĩ sao, báo lửa, hổ Đông Dương, vượn má vàng, vọoc bạc, hươu cao cổ, linh dương…
Sáng 21-7, phụ huynh và các em nhỏ thích thú, bất ngờ khi nhìn thấy Kangaroo
Thảo Cầm viên Sài Gòn mà người dân quen gọi là Sở thú là một bảo tàng thiên nhiên quý giá của TP.HCM và cả nước, với hơn 150 năm tuổi, là một trong 10 vườn thú lâu đời nhất trên thế giới hiện nay. Với chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc, nghiên cứu và bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Thảo Cầm viên Sài Gòn cũng là địa điểm vui chơi, giải trí quen thuộc thu hút hàng triệu lượt du khách và thiếu nhi mỗi năm.