Ngày 21-4, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam (Reatimes.vn) đã tổ chức tọa đàm: “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam”.
|
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Nguồn lực 30 tỉ USD đang bị ứ tắc
Tại cuộc tọa đàm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho hay hiện trên cả nước có khoảng 239 dự án BĐS du lịch, với tổng giá trị tương đương 30 tỉ USD.
Đây là một nguồn lực rất lớn để thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đặc biệt góp phần hồi phục kinh tế của đất nước giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Chỉ tính riêng trong quý I-2022, loại hình BĐS này đã tạo ra 15.000 việc làm trong quá trình đầu tư xây dựng, vận hành cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, theo ông, khung pháp lý cho loại hình BĐS này chưa hoàn thiện, đặc biệt là vấn đề quyền sử dụng, quyền sở hữu khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư lo ngại, dẫn đến nguồn lực khổng lồ này đang bị ứ tắc…
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam về các yếu tố cản trở tốc độ, quy mô và quyết tâm tham gia vào thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam thì yếu tố kinh tế - tài chính chiếm 30%, yếu tố pháp lý chiếm 50%, yếu tố khác chiếm 20%.
Liên quan nội dung này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, dẫn chứng từ năm 2019, một loạt dự án đã được cho phép chuyển đổi một phần đất thương mại, dịch vụ sang đất ở nông thôn để được cấp sổ lâu dài bị dừng lại, kể cả những dự án đã phát triển xong và chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp. “Hệ quả là hàng loạt dự án bị vướng mắc, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng ở nhiều địa phương đã bị “đóng băng” gần như hoàn toàn” - ông nói.
|
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT |
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng chính sự “chưa quy định rõ ràng về pháp lý” khiến ba năm qua, giới đầu tư quay lưng với loại hình BĐS này. “Việc đầu tư của nhà đầu tư chỉ được khẳng định bằng hợp đồng hợp tác đầu tư hay góp vốn… mà không có giấy tờ pháp lý đủ mạnh hơn để họ có thể tự do chuyển nhượng tài sản đầu tư trên thị trường dẫn đến việc kém thanh khoản, rủi ro pháp lý” - ông phân tích.
Giải pháp mấu chốt là làm rõ giấy tờ khẳng định quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với loại hình BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng cần có giải pháp cấp bách tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho loại hình BĐS này để đưa nguồn lực này đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch. Và giải pháp mấu chốt là làm rõ giấy tờ khẳng định quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với loại hình BĐS này.
GS-TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho rằng pháp luật hiện hành đã cho phép cấp giấy chứng nhận cho tài sản hình thành trên đất mà không phải đất ở. “Quy định có rồi, tại sao không cấp? Cái không cấp hiện nay là mong muốn phải cấp đất ở lâu dài, vì lý do đó nên mới không cấp chứ còn nếu cấp quyền sở hữu tài sản trên đất là có rồi” - ông nói.
Đồng tình quan điểm này, luật sư Nguyễn Thanh Hà đề nghị Nhà nước cần xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho các chủ sở hữu theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài. “Điều kiện được cấp là không được đăng ký hộ khẩu, không được hình thành làng xóm, ở đây là các căn biệt thự nghỉ dưỡng trong dự án xây dựng trên đất ở nông thôn theo hồ sơ pháp lý đã cấp cho doanh nghiệp” - luật sư Hà nói.
Các ý kiến tại cuộc tọa đàm cũng đề xuất Chính phủ nên có văn bản sau khi đã xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cách áp dụng pháp luật hiện hành để giải quyết các dự án BĐS nghỉ dưỡng đang bị ách tắc.
Đây cũng là cơ sở để sửa đổi triệt để các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo hành lang pháp lý cho vấn đề sang tên, chuyển nhượng, thế chấp, sở hữu chung riêng… đối với loại hình BĐS này.
Đề xuất chứng nhận quyền sở hữu BĐS nghỉ dưỡng, du lịch
Bộ TN&MT đang lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, dự thảo bổ sung Điều 32 a quy định về chứng nhận quyền sở hữu BĐS nghỉ dưỡng, du lịch nhằm tháo gỡ các vướng mắc, ách tắc lâu nay.
Trong đó có quy định BĐS thuộc loại hình này được chứng nhận quyền sở hữu phải đáp ứng đủ điều kiện quy định của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.