Kinh doanh xăng dầu đang trải qua những thời điểm đầy khó khăn và rủi ro vì giá cả lên xuống rất khó dự báo. Tình trạng chiết khấu âm, kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp (DN) than khó nhập hàng, dọa đóng cửa liên tục xảy ra, gây bất ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Kiến nghị khẩn cấp
25 DN xăng dầu vừa đồng loạt ký văn bản khẩn gửi Bộ Công Thương và các ban ngành, địa phương kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề bất cập trong kinh doanh xăng dầu.
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra thực tế bồn chứa xăng dầu tại một cửa hàng. |
Bản kiến nghị nêu rõ: Với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu hiện nay chỉ 0 đồng, thậm chí với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu là 200 đồng thì đại lý vẫn không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh. Đồng thời nguồn cung cũng rất hạn chế, càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép. “Vậy sao Nhà nước không bù lỗ cho các cửa hàng bán lẻ tư nhân?” - các DN xăng dầu đặt vấn đề.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một công ty xăng dầu chia sẻ: “Trong kinh doanh xăng dầu, chuyện lời lỗ là bình thường. Nhưng lỗ nhiều quá thì kêu than ai? Hệ quả các cửa hàng xăng dầu sẽ không thể trụ nổi, đóng cửa. Còn công ty đầu mối cũng sống dở chết dở. Các DN nhà nước thì có Nhà nước bù lỗ, DN tư nhân lấy ai bù cho”.
Từ bất cập đó, các DN kiến nghị bỏ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu; rút giấy phép vĩnh viễn các công ty đầu mối không tuân thủ theo quy định về an ninh xăng dầu.
“Nhà nước nên hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới xuống thì không nhập hàng, làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra như tình trạng hiện nay” - các DN nêu ý kiến.
Một cây xăng trên địa bàn tỉnh An Giang thông báo hết xăng trong ngày 29-8. Ảnh: NH |
Các DN cũng đề xuất phải điều chỉnh cơ chế giá thành bán lẻ để DN đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600-800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để đủ sức duy trì hoạt động (hiện nay mức chiết khấu có khi bằng 0).
Về thời gian điều hành giá, các DN đồng loạt kiến nghị rút ngắn xuống 24 giờ, kể cả ngày nghỉ, lễ. Bởi theo các DN, hiện nay Việt Nam thực hiện chính phủ điện tử thì các bộ liên quan họp trực tuyến là cách phục vụ tốt nhất cho dân và tránh được tình trạng găm hàng, tạo ra khan hiếm, mất an ninh xăng dầu.
Cạnh đó, các DN cũng kiến nghị Nhà nước nên cho cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng với nhiều DN đầu mối để vừa tăng sức ép cạnh tranh vừa đáp ứng nguồn hàng. Vì hiện nay mỗi nhà bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một công ty đầu mối, khi có sự cố thì nhà bán lẻ không thể lấy hàng từ đầu mối khác.
Nghiêm túc tiếp thu ý kiến
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đánh giá rằng kiến nghị bỏ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là hợp lý, có cơ sở, đáng lẽ ra nên bỏ quỹ này từ nhiều năm nay.
Cụ thể, ông Phong cho rằng Bộ Công Thương cần xem xét xem còn DN nào đang âm quỹ bình ổn thì cho tiếp tục trích đến khi nào hết âm thì dừng lại. Số quỹ còn lại thì treo đó, gửi ngân hàng lấy lãi, sau này thu hồi đưa vào ngân sách.
“Quỹ này là tiền của người dân nhưng lại được quản lý bởi DN. Xả và trích quỹ cùng mức nhưng lúc xả thì rất nhanh, khi trích thì mãi không được một đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra cơ chế xin - cho, thậm chí gây thất thoát ngân sách nhà nước và người dân” - ông Phong nói.
Nhiều cây xăng… hết xăng
Mấy ngày gần đây xuất hiện tình trạng một số cửa hàng tại TP.HCM, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… hết xăng, không mua được hàng để bán.
Chiều 30-8, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, cho biết ngày 29-8, đoàn kiểm tra xăng dầu đã lập biên bản đối với hai cửa hàng, trong đó một cửa hàng ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ hết xăng nhưng còn dầu. Ngày 30-8 tiếp tục kiểm tra các địa phương, đoàn ghi nhận có năm cửa hàng hết xăng dầu. Đoàn đã lập biên bản bốn cửa hàng, đồng thời yêu cầu cơ sở cam kết sớm nhập xăng bán trở lại.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, cho biết trong ngày 29-8 phát sinh nhiều trường hợp đại lý ngưng hoạt động, thông báo hết xăng dầu. Cụ thể, các đội quản lý thị trường tỉnh tổ chức giám sát 588 cơ sở bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Trong đó có 569 cơ sở đang hoạt động, 19 cửa hàng vẫn đang tạm ngưng hoạt động và 36 cửa hàng vẫn kinh doanh nhưng thông báo hết xăng dầu với nhiều lý do khác nhau.
T.UYÊN - C.ANH
Về kiến nghị cửa hàng bán lẻ có thể mua hàng từ nhiều nhà phân phối khác nhau, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng đây là điều hợp lý. Bởi làm như vậy mới có thể tạo sự cạnh tranh giữa các đầu mối, đảm bảo sự ổn định của nguồn cung xăng dầu.
“Tuy nhiên, còn băn khoăn khi xảy ra vấn đề về chất lượng xăng dầu thì ai chịu trách nhiệm? Ví dụ hai đơn vị phân phối cùng cung cấp xăng A95, khi đại lý bán lẻ nhập hàng về đổ dồn các loại xăng vào với nhau, nếu chất lượng của hai đơn vị cung cấp hàng khác nhau thì làm sao? Vấn đề này đòi hỏi phải xử lý kỹ thuật, nếu làm tốt được thì mới cho phép, còn không cũng không cho phép” - ông Phong nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã chủ trì cuộc họp khẩn về đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Tại cuộc họp, bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành tài chính, ngân hàng… nghiên cứu xem xét mức phí đưa xăng dầu về Việt Nam, để bảo đảm các DN đưa xăng dầu về nước không chịu gánh phí quá cao; nâng mức chiết khấu (hoa hồng) để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là đơn vị bán lẻ và thương nhân phân phối không bị thiệt.
Bộ trưởng cũng đề nghị ngành ngân hàng xem xét nới trần tín dụng đối với những DN thực chất có hoạt động nhập khẩu xăng dầu. Đồng thời giao cho các đơn vị trực thuộc bộ nghiêm túc tiếp thu ý kiến và tổng hợp ý kiến của người dân, các cơ quan quản lý, DN về những vấn đề liên quan đến quản lý, những quy định của pháp luật, những cơ chế hiện hành không còn phù hợp. Từ đó nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh hoặc thay thế.
Truy tận gốc rễ để có giải pháp tháo gỡ kịp thời
Ngày 30-8, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã chỉ đạo thành lập ba đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Mỗi đoàn công tác do một thứ trưởng làm trưởng đoàn.
Về nội dung làm việc, đoàn tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…
Tuy nhiên, bộ trưởng yêu cầu chỉ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định về kinh doanh xăng dầu; quá trình kiểm tra, các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các DN, nhất là những DN hoạt động bình thường, chấp hành đúng pháp luật, chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu.
“Hoạt động của các đoàn công tác không chỉ thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước tới lĩnh vực kinh doanh xăng dầu mà thông qua việc thực hiện giám sát để “truy” gốc rễ vấn đề, từ đó có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời. Hiện chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.