Thật khó tin Trung Quốc sử dụng tàu ngầm chống cướp biển?

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đưa ra lập trường ở Ấn Độ Dương rất khác ở biển Đông. Trung Quốc cố thuyết phục Ấn Độ rằng Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương thuần túy xuất phát từ các yếu tố thương mại, an ninh hàng hải, chống cướp biển chứ không nhằm chống lại hay bao vây Ấn Độ. Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 30-6, khi các nhà báo Ấn Độ hỏi vì sao hải quân Trung Quốc lại đưa tàu ngầm tham gia hoạt động chống cướp biển thay vì chỉ cần máy bay và tàu chiến nổi là đủ, chỉ huy trưởng căn cứ hải quân Thượng Hải Vi Hướng Đông trả lời rất bao biện.

Ông này nói: “Tại sao không cần tàu ngầm chống cướp biển? Tàu ngầm cũng tham gia hoạt động chống cướp biển cùng các hạm đội khác được chứ”. Ông cho rằng các tàu khác nhau sẽ giữ vai trò khác nhau trong một hoạt động tương tự. Ông nói không nên lo lắng vì chính sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ mang tính chất phòng thủ chứ Trung Quốc không muốn dùng sức mạnh đe dọa an ninh khu vực hoặc một quốc gia khác.

Trước lo ngại của Ấn Độ về việc gần đây tàu ngầm Trung Quốc đến thăm Sri Lanka và Pakistan, phía Trung Quốc mô tả đó là thăm viếng thường lệ. Nhà nghiên cứu Trương Ngụy ở Học viện Hải quân Trung Quốc giải thích sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương nhằm bảo vệ an ninh hàng hải và các tuyến giao thông trọng yếu trên biển.

Ông cho rằng hầu hết tàu ngầm khi đi vào khu vực Ấn Độ Dương đều có thông báo cho các nước láng giềng để giảm căng thẳng và tăng cường tin cậy lẫn nhau. Trong khi đó, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhận định trong cùng thời điểm, Trung Quốc lại có quan điểm rất khác nhau về biển Đông và Ấn Độ Dương. Ở biển Đông thì Trung Quốc lại không muốn hải quân của quốc gia ngoài khu vực hoạt động. PGS Triệu Nghi ở Viện Chiến lược (ĐH Quốc phòng Bắc Kinh) cho biết Trung Quốc thừa nhận Ấn Độ giữ vai trò đặc biệt trong việc duy trì ổn định ở Ấn Độ Dương và Nam Á, tuy nhiên Ấn Độ Dương là vùng biển mở với nhiều tuyến hàng hải quan trọng chứ không phải là sân sau của Ấn Độ. Ông này nhắc khéo Ấn Độ nên từ bỏ ý nghĩ đó, nếu không sẽ rất nguy hiểm và không loại trừ nguy cơ xảy ra xung đột.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc phát hành hồi năm ngoái, tính đến năm 2014 Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, trong đó có năm chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Bắc Kinh cũng có ít nhất ba tàu ngầm hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo và đang bổ sung năm chiếc nữa.
Tại cuộc họp báo hồi tháng 4 ở Mỹ, các quan chức hải quân Mỹ tuyên bố Lầu Năm Góc đang giám sát chặt chẽ đội tàu ​​ngầm trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Hiện tại tên lửa đạn đạo JL2 phóng từ tàu ngầm Trung Quốc không thể bay tới Mỹ từ biển Đông. Dù vậy, Bắc Kinh hy vọng sẽ cải thiện tầm bắn tên lửa. Đó là lý do vì sao các chuyên gia tin rằng Trung Quốc xem biển Đông là pháo đài cho đội tàu ngầm hạt nhân.

QUÂN KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm