Thầy cho trò diễn 'cảnh nóng' kiện hiệu trưởng ra tòa

Trao đổi với phóng viên PLO.VNngày 29-3, thầy Phạm Quốc Đạt, nhân viên trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM tỏ ra rất bức xúc trước các hình thức kỷ luật trên và cho biết đã khởi kiện hiệu trưởng ra tòa. 

Thầy Phạm Quốc Đạt đang trao đổi thông tin với báo chí. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Quyết định kỷ luật đến từ nhiều lý do trong đó có việc thầy Đạt cho học sinh tái hiện một số phân cảnh nhạy cảm khi sân khấu hóa các tác phẩm văn học “Bỉ vỏ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Số Đỏ”.

Trong tác phẩm “Bỉ vỏ” có phân đoạn nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp còn trong tác phẩm “Số đỏ” có phân đoạn cô Tuyết và Xuân tóc đỏ ân ái với nhau. Hai phân cảnh này đều được học sinh tái hiện lại khi tiến hành sân khấu hóa tác phẩm. Clip này sau đó bị rò rỉ trên mạng khiến dư luận bức xúc. Ban giám hiệu nhà trường sau khi nắm bắt thông tin, xem xét sự việc và nhiều vấn đề đã ra quyết định kỷ luật.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Đạt bức xúc: “Quyết định kỷ luật là không đúng. Phần học trò diễn được thực hiện trên hiệu ứng chiếu bóng. Học sinh đứng sau tấm màn dùng kỹ xão để diễn tả hành động chứ không hề có sự đụng chạm xác thịt. Ngoài ra phân cảnh trên mạng chỉ 1 phút. Trong khi đó video các em diễn kéo dài 15 phút với nhiều diễn biến nên chỉ tách những phân cảnh nhạy cảm để bình phẩm thì sẽ không toàn diện”.

Thầy Đạt cho biết, vào ngày 21-1, Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản đã ra quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với lý do: “Sai phạm trong hoạt động chuyên môn và xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp”. Thời gian thi hành là 12 tháng. Trong thời gian thi hành kỷ luật, thầy Đạt bị đình chỉ giảng dạy và chủ nhiệm, chuyển sang làm công việc khác.

"Một lý do nữa khiến tôi bị kỷ luật là ban giám hiệu xác định tôi còn có lời nói xúc phạm lãnh đạo trong Hội nghị cán bộ công chức năm 2019. Lúc đó tôi chỉ góp ý thẳng thắn nên lời nói có phần khó nghe, không uyển chuyển, chứ không hề xúc phạm ai. Ngoài ra họ còn cho rằng tôi tự thay đổi phân phối chương trình buổi 2, cho bài viết số 1 không theo thống nhất với tổ. Như vậy là không đúng", thầy Đạt nói thêm.

“Chính vì thế, ngày 22-1, tôi có nộp đơn khiếu nại lên trường và ngày 24-1, tôi nộp thêm đơn khiếu nại bổ sung thể hiện rõ tôi không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật của nhà trường. Đến ngày 6-3, tôi nhận được quyết định số 1B về việc hủy và thu hồi quyết định số 01. Và nhận được thêm 3 quyết định mới với nội dung xử lý tôi ở mức cảnh cáo. Đồng thời giao nhiệm vụ trực thư viện trong vòng 1 năm”, thầy Đạt nói.

Theo thầy Đạt, sau đó thầy đã nhiều lần làm đơn kiến nghị hiệu trưởng giải quyết nhiều vấn đề liên quan quyền lợi của mình nhưng trường không được giải quyết dứt điểm theo đúng nguyện vọng. Mới đây, thầy đã nộp đơn khởi kiện hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản ra Tòa án nhân dân quận 12.

Thầy Đạt yêu cầu hiệu trưởng nhà trường phải để mình giảng dạy theo đúng chuyên môn, được chủ nhiệm lại và không phải kiêm nhiệm thêm công việc gì. Cùng với đó là yêu cầu trường bồi thường số tiền gần 23 triệu đồng thiệt hại về mặt vật chất.

Đồng thời, thầy giáo này cũng nộp đơn xin ra khỏi tổ chức công đoàn cơ sở và công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM vì cho rằng mình bị kỷ luật oan sai nhưng công đoàn thờ ơ, không có động thái quan tâm, chia sẻ. “Tôi đã mất rất nhiều công sức và thời gian về vụ việc này. Vì thế tôi sẽ đi đến cùng”, thầy Đạt nhấn mạng.

Bị đình chỉ vì nhiều lý do

Quyết định kỷ luật đối với giáo viên Phạm Quốc Đạt không chỉ xuất phát từ tiết dạy sân khấu hóa có chứa cảnh “nóng” mà còn vì nhiều lý do khác. Những lý do đó còn liên quan đến các yếu tố về chuyên môn. Để đưa ra quyết định này, nhà trường đã thực hiện nhiều buổi họp hội đồng sư phạm để tham khảo ý kiến của các thầy cô trong nhà trường. Trường sẽ thông tin rõ với báo vào một ngày gần nhất.

(Ông LƯƠNG VĂN ĐỊNH, Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản, quận 12).

Đổi mới sáng tạo nhưng không tùy tiện

Sở GDĐT rất ủng hộ cách dạy đổi mới sáng tạo, nhưng không được làm tùy tiện. Các bài học phải được thiết kế trong kế hoạch và thông qua các tổ chuyên môn. Nội dung bài học phải được bàn thảo, trao đổi với nhau để xây dựng thành kế hoạch và thực hiện. Đồng thời, khi có sự không thống nhất từ người dạy, người học đến cha mẹ học sinh hay xã hội thì ngay lập tức phải ngồi lại thảo luận, rút kinh nghiệm

Về những phân cảnh "nhạy cảm" được sân khấu hóa từ tác phẩm văn học, phải đánh giá tùy vào không gian, bối cảnh, trình độ của giáo viên hướng dẫn và mục tiêu cuối cùng đạt được mục đích dạy học chứ không thể phán xét ngay.

(Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM).

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm