Thầy cho trò diễn cảnh ‘nóng’ để dạy văn: Đâu là giới hạn?

Để học trò yêu thích môn văn, thầy Phạm Quốc Đạt, giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM đã cho học sinh hóa thân vào trích đoạn “Hạnh phúc của một tang gia” (Số đỏ - Vũ Trọng Phụng) và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng). Trong đó học trò có diễn những phân cảnh “nóng”. Những cảnh này khi bị rò rỉ ra ngoài khiến dư luận phản ứng.

Tháng 1-2019, nhà trường đã ra quyết định kỷ luật giáo viên này vì nhiều lý do, trong đó có nội dung để học trò diễn những cảnh nhạy cảm. Ông bị cảnh cáo, không được giảng dạy, làm chủ nhiệm trong thời gian 12 tháng và chuyển về làm công tác thư viện trường. Trước sự việc trên, nhiều giáo viên đã đưa ra những quan điểm về việc để học sinh hóa thân vào tác phẩm, đặc biệt là những cảnh ân ái dễ gây hiểu lầm.

Có sơ suất khi duyệt kịch bản

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thầy Phạm Quốc Đạt, giáo viên môn văn Trường THPT Võ Trường Toản, người cho học sinh lớp 11 sân khấu hóa những phân đoạn trên, cho biết: Khi dạy văn, thầy thường cho các học trò sân khấu hóa tác phẩm để các em hiểu rõ hơn về nội dung.

Thầy Đạt cho biết trên mạng chỉ là một phân cảnh của tác phẩm mà các em diễn. Cho nên khi tách phân cảnh ra khỏi bối cảnh thì sẽ khác hoàn toàn, nó sẽ bị hiểu méo mó. Còn nếu đăng nguyên clip 15 phút lên YouTube thì khán giả sẽ không còn có cái nhìn kỳ thị. Vì nó diễn theo một kịch bản từ đầu đến cuối nên khi xem sẽ thấy bình thường. Như trong phân cảnh của Số đỏ, hai học trò vẫn mặc đồ bình thường, chỉ có cái màn che lại. Học trò chuẩn bị trước một số cái yếm, váy vứt ra ngoài thôi. Phân cảnh chỉ đơn giản vậy thôi.

“Tuy nhiên, đây thực sự là một tai nạn nghề nghiệp mà tôi cần phải rút kinh nghiệm. Bởi thực tế tôi không hề biết học trò sẽ diễn cảnh nóng trong tác phẩm. Tôi có kiểm tra kịch bản học trò gửi trước nhưng do các em nói rằng muốn tạo một sự bất ngờ nên không diễn trước cho tôi xem. Vì tôn trọng ý tưởng của học trò nên tôi cũng không yêu cầu các em thể hiện. Ai ngờ sự việc lại như thế” - thầy Đạt giãi bày.

Thầy Phạm Quốc Đạt trần tình với phóng viên về sơ suất trong việc sân khấu hóa cho học trò. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sáng tạo nhưng cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ

Cô Lưu Mai Tâm, giáo viên dạy văn Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương, cho biết việc thầy giáo cho học sinh trải nghiệm sáng tạo bằng sân khấu hóa tác phẩm là thú vị. Song thầy giáo cần kiểm định nội dung kịch bản chặt chẽ hơn. Nếu để học sinh đóng những cảnh nóng khi các em chưa có kiến thức về diễn xuất, chưa hiểu rõ tác phẩm thì rất dễ gây phản cảm, thô tục.

Cùng quan điểm, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên dạy văn Trường Bùi Thị Xuân, quận 1, cho biết đứng ở góc độ chuyên môn, ông hoàn toàn ủng hộ việc người thầy sáng tạo trong quá trình dạy học. “Môn văn từ xưa đến giờ bị nhiều người chê là nhàm chán, nó cũ kỹ, khuôn mẫu và không hào hứng. Nỗ lực đổi mới, sáng tạo từ phía người thầy rất đáng hoan nghênh. Việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học sẽ giúp cho học trò nhập vai, hiểu hơn về tác phẩm và cảm xúc của nhân vật. Tuy nhiên, làm sao để sân khấu hóa có hiệu quả thực sự thì không dễ. Bản thân người thầy cần phải có sự hiểu biết về sân khấu hóa chứ không phải cứ bê nguyên lên. Có thể nhờ người có chuyên môn về sân khấu duyệt qua, góp ý để không gây phản cảm” - thầy Anh nói.

Không nên sân khấu hóa cảnh nóng cho học sinh

Trong suốt 10 năm đi dạy, tôi vẫn thường cho học sinh sân khấu hóa để giúp các em hiểu bài nhanh hơn.

Tuy nhiên, đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” trong Số đỏ, hay các tác phẩm Quan âm thị kính, Bỉ vỏ là những tác phẩm có yếu tố nhạy cảm và tôi không cho học trò tiến hành sân khấu hóa. Dù gì thì cũng không nên để học trò diễn những cảnh ân ái. Và tôi nghĩ nên khuyến khích giáo viên sáng tạo nhưng phải có giới hạn, không nên sáng tạo quá đà. Nếu giáo viên sáng tạo quá thì nên nhắc nhở, còn việc xử lý kỷ luật như trường đưa ra mà tôi nắm được thì quá nặng.

Cô NGUYỄN THỊ HUỆgiáo viên văn Trường THPT Nguyễn Du

Các con đã lớn, diễn vậy là bình thường

Theo dõi sự việc, tôi thấy việc học trò diễn cảnh đó không phải là quá ghê gớm với lứa tuổi học sinh cấp III hiện nay. Điều quan trọng, cảnh “nóng” đó đóng vai trò gì trong tác phẩm và từ đó các em sẽ học hỏi điều gì chứ không phải chỉ đưa vào với mục đích gây tò mò, hiếu kỳ tầm thường cho đứa trẻ. Nếu phân cảnh đó thực sự mang lại một giá trị cho tác phẩm và yếu tố nhân văn thì nên khuyến khích. Hơn nữa, lứa tuổi hiện nay, các em đã phát triển về tâm sinh lý thì vấn đề này các em cần phải biết, đặc biệt cần có sự định hướng của người lớn và thầy cô, chứ không phải là cấm đoán và phê phán.

Anh TRẦN ĐỨC TUẤNmột phụ huynh (quận Gò Vấp, TP.HCM)

Bị đình chỉ vì nhiều lý do

Quyết định kỷ luật đối với giáo viên Phạm Quốc Đạt không chỉ xuất phát từ tiết dạy sân khấu hóa có chứa cảnh “nóng” mà còn vì nhiều lý do khác. Những lý do đó còn liên quan đến các yếu tố về chuyên môn. Để đưa ra quyết định này, nhà trường đã thực hiện nhiều buổi họp hội đồng sư phạm để tham khảo ý kiến của các thầy cô trong nhà trường.

Ông LƯƠNG VĂN ĐỊNH, Hiệu trưởng Trường THPT
Võ Trường Toản, quận 12

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm