Cuối tháng 11, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được biên soạn theo chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, thẩm quyền lựa chọn SGK trong năm học 2020-2021 không phải do UBND tỉnh lựa chọn mà do cơ sở giáo dục quyết định. Nhiều ý kiến lo ngại việc thay đổi thẩm quyền lựa chọn SGK có làm xáo trộn quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh không.
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, SGK phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước tháng 3-2020 cho kịp năm học mới 2020-2021.
Thẩm quyền lựa chọn công khai, minh bạch
. Phóng viên: Việc lựa chọn SGK có sự thay đổi về thẩm quyền lựa chọn, thưa ông?
+ Nếu chờ đến thời điểm 1-7-2020 sẽ không đủ thời gian để các nhà xuất bản in, phát hành, tập huấn SGK cho giáo viên. Do đó, việc lựa chọn SGK đối với lớp 1 sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Thật ra ngay từ đầu năm 2019, khi Luật Giáo dục sửa đổi vẫn đang là dự thảo thì Bộ đã chuẩn bị thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK theo quy định của Nghị quyết 88. Lúc bấy giờ thông tư quy định cơ sở giáo dục lựa chọn SGK.
Cả hai thẩm quyền lựa chọn này dù thế nào vẫn phải dưới sự hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Bộ hướng dẫn tất cả vấn đề đối tượng lựa chọn thế nào, chọn sách thế nào, tiêu chí chọn thế nào, quy trình lựa chọn thế nào, hội đồng thế nào, trách nhiệm các bên thế nào để đảm bảo việc lựa chọn này rõ ràng, công khai, minh bạch, tránh lợi ích nhóm đâu đó có thể xảy ra.
. Vậy theo ông, nếu năm đầu trường chọn một SGK, sau đó UBND tỉnh lại chọn SGK khác thì có ảnh hưởng tới giáo viên và học sinh không?
+ Bộ GD&ĐT sẽ phải tính đến việc chuyển tiếp. Dù trước là thẩm quyền chọn của các trường, sau là UBND tỉnh nhưng vẫn phải dựa trên những nội dung chung đó, vẫn là chuyên môn, vẫn phải giao cho Sở, cho các trường đưa ý kiến về việc lựa chọn.
Khi SGK trong năm đầu đã được nhà trường lựa chọn và dạy học phù hợp thì hội đồng thành lập sau đó của UBND tỉnh vẫn phải tôn trọng. Còn đánh giá phù hợp hay không là bản thân các trường đang dạy đánh giá.
Thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa trong năm học 2020-2021 không phải do UBND tỉnh lựa chọn mà do cơ sở giáo dục quyết định. Ảnh: AH
Không có chuyện xảy ra lợi ích nhóm
. Ông có lo ngại xảy ra lợi ích nhóm trong việc chọn SGK?
+ Không thể có chuyện đó xảy ra được vì đang giai đoạn đầu, cơ sở giáo dục phổ thông là đơn vị được quyền lựa chọn, ngay cả UBND tỉnh có thẩm quyền lựa chọn SGK thì quy định của bộ không phải là yêu cầu một tỉnh chọn một bộ. Bộ có quy định hội đồng được thành lập theo từng môn học, từng hoạt động giáo dục ở từng cấp học nên không có chuyện đó xảy ra.
. Mỗi nơi dùng một bộ SGK thì kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thế nào, thưa ông?
+ Dù trên một địa bàn mà sử dụng nhiều cuốn SGK chắc chắn không ảnh hưởng gì đến việc học của học sinh. Đây cũng là ưu việt của chương trình nhiều sách, đó là dạy theo chương trình chứ không phải dạy học theo SGK.
Tất cả đều phải dạy học và kiểm tra đánh giá theo chương trình, những bài kiểm tra không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể ở trong từng cuốn SGK. Chúng tôi đang nghiên cứu để thay đổi thông tư đánh giá học sinh, trong đó sẽ có quy định này. Việc đưa ngữ liệu cụ thể trong từng cuốn SGK hay sách tham khảo vào đề thi là điều không phù hợp với việc đánh giá năng lực. Vì khi dữ liệu đó đã có trong sách rồi mà kiểm tra lại bắt buộc học sinh phải ghi nhớ thì không phù hợp với mục tiêu đánh giá phát triển năng lực.
. Vậy cụ thể quy trình chọn SGK như thế nào?
+ Quy trình chọn sách nói chung trong cả hai thẩm quyền chọn đều quy định một quy trình tương đối thống nhất. Đó là chủ tịch hội đồng phải quy định kế hoạch của hội đồng làm việc, sau đó giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong hội đồng. Giao cho từng thành viên nghiên cứu sách, tiếp thu ý kiến của giáo viên, phụ huynh và có ý kiến lựa chọn. Phải có cơ sở rõ ràng tại sao lựa chọn.
Trong hội đồng phải quy định rõ thành phần gồm những ai nhưng đa số phải là giáo viên dạy trực tiếp vì họ là người sử dụng. Sau đó tiến hành bỏ phiếu, khi có kết quả bỏ phiếu thì làm biên bản, mọi người cùng ký vào, đưa lên chủ tịch hội đồng phê duyệt và công khai. Đối với các trường liên cấp thì cấp nào là hội đồng cấp đó.
Việc lựa chọn SGK phải xong trước 31-3-2020. Sau khi lựa chọn xong, Sở GD&ĐT sẽ công khai danh sách SGK được lựa chọn và NXB dựa vào danh sách đó để có kế hoạch in, phát hành sách và tiến hành tập huấn cho giáo viên.
Khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực thì Bộ sẽ sửa thông tư hướng dẫn chọn sách theo tinh thần Nghị quyết 88 một cách liền mạch, chuyển tiếp.
. Xin cám ơn ông.
Các tiêu chí lựa chọn SGK của Bộ GD&ĐT Đầu tiên là chọn SGK trong danh mục sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt, việc chọn lựa diễn ra công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Các cuốn sách được lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương, phải phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên, phù hợp với điều kiện dạy học của cơ sở đó, địa phương đó... |