LTS: Họ là những người thầy hết lòng vì học sinh, luôn say mê, tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, tạo hứng khởi cho học sinh. Những thầy giáo độc và lạ ấy đã khiến học sinh "mê mẩn" để từ đó những giờ lên lớp của thầy và trò trở thành những giờ học thực thụ, đầy ý nghĩa.
Hồi cuối tháng 3, cộng đồng mạng liên tục chuyền tay nhau clip thầy giáo “bá đạo” thực hành một thí nghiệm vật lý bằng cách dùng lửa và nhạc EDM (viết tắt của chữ Electronic dance music - âm nhạc điện tử) để giảng về sóng âm. Nhiều học sinh đã không ngại ngần gọi đây là “Thầy giáo nhà người ta”, “Tiết học vật lý nhà người ta” hay "Màn thí nghiệm vật lý đỉnh cao của năm", hoặc "Thầy giáo vật lý nhà người ta kiêm DJ chỉnh nhạc"…
“Thầy giáo bá đạo siêu sáng tạo”
Thầy Phan Công Thành, giáo viên dạy môn vật lý Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam).
Ngày 22-3-2016, trang fanpage của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) đã đăng tải clip thí nghiệm vật lý của thầy Thành. Đoạn clip với những người học trò giới thiệu đầy tự hào: “Thầy về trường khi đó là K8, 9, 10 và từ đó thầy đã thực sự làm một cuộc cách mạng trong phong trào nghiên cứu khoa học của trường”.
Được biết đoạn clip này do nữ sinh Hoàng Thạch Giang, học sinh lớp 11 chuyên toán K13 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) đăng tải.
Nữ sinh Hoàng Thạch Giang, người chia sẻ clip về tiết học của thầy Thành.
Thạch Giang tự hào cho biết thầy giáo trong đoạn clip là thầy dạy môn vật lý của lớp, thầy Phan Công Thành. Thí nghiệm trong clip là thí nghiệm về sóng âm thanh. Giang kể thêm “sóng âm thanh” là kiến thức lớp 12 mới được học nhưng vì nhiều học sinh thích thú nên thầy đã giảng trước cho lớp bằng thí nghiệm thực tế và rất độc đáo này.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, thầy Thành cho hay thí nghiệm trên là một minh họa đầy sống động của hiện tượng giao thoa sóng âm trong không khí mà chương trình sách giáo khoa vật lý THPT đề cập đến. Ở nước ngoài màn thí nghiệm như vậy được thực hiện thường xuyên trong các tiết học nhưng ở Việt Nam thì dường như còn lạ.
“Học cũng phải vui!”
Trong một clip đăng ngày 8-10 trên tài khoản Facebook Thành Trung, học sinh chuyên tin K14, chia sẻ: “Tuần nào cũng chờ tới thứ 7 có tiết của thầy. Nhóm mình ráng sau thi vào cái dự án hoành tráng tí nào”.
Học sinh chia sẻ về một tiết học của thầy Thành.
Đó là một thí nghiệm sinh động với động cơ Hero, động cơ hơi nước đầu tiên của loài người, được giới thiệu từ trước Công nguyên nhưng trong “phiên bản cover” này, động cơ chạy bằng cồn tạo nên hiệu ứng hình ảnh ngoạn mục.
Thầy quan niệm: “Tôi mong muốn tạo ra một không gian cho các em yêu thích khoa học rèn luyện, phát triển kỹ năng và mang lại những khoảnh khắc vui vẻ, hào hứng cho các em khi quan sát các thí nghiệm và hiệu ứng lạ. Học cũng phải vui thì học mới vào được”.
Thầy Thành tốt nghiệp khoa vật lý Trường ĐH Khoa học Huế. Thầy bắt đầu về Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) giảng dạy từ năm 2012.
“Thí nghiệm trong các bài học thì không nói nhưng nhiều khi cùng nhau làm mấy trò vui vui, vừa học vừa chơi. Thầy nhà xa, trò cũng học suốt ngày nên chỉ khi nào rảnh mới gặp nhau được. Nhà trường trang bị tương đối đầy đủ dụng cụ thí nghiệm, cũng rất ủng hộ, chỉ có một số nguyên vật liệu thì phải tự tìm, ra lùng mấy chỗ bán phế liệu, cũng có khi phải ra tận Đà Nẵng hoặc đặt hàng trong TP.HCM mang về làm.
Nghỉ hè thì trò gọi điện thoại hỏi thầy, làm được cái gì hay trò up lên Facebook hoặc thầy trò gặp nhau trao đổi ở trường. Làm một lần không được thì thêm vài ba lần, mỗi khi thất bại tự làm sẽ rút ra kinh nghiệm cho mình, học trò giờ năng động lắm, thầy phụ thôi” - thầy Thành vui vẻ kể chuyện.
Fanpage Dự án kỹ thuật-NBK (NBK là viết tắt tên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - PV) được lập ra để thầy trò chia sẻ các mô hình thí nghiệm thú vị và lên kế hoạch thực hiện.
Thầy Thành cùng đội QN-CKT dự thi Robodnic, kỳ thi robot cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng.
Với phương thức như vậy, các học sinh thực hiện nhiều mô hình thí nghiệm độc đáo, trong đó có thể kể như động cơ Stirling của lớp chuyên lý K11, con lắc kép của lớp chuyên Anh và chuyên văn K12, động cơ Hero của lớp chuyên tin K13, xe phản lực nhiên liệu rắn của lớp chuyên toán K13, bể nuôi kiến bằng chất nền trong suốt (antquarium) bởi lớp sinh K13, động cơ tĩnh điện của lớp chuyên tin K14…
Xem những clip thầy trò thực hiện, không khó để cảm nhận những sản phẩm đó được làm ra không chỉ bởi niềm say mê với bộ môn vật lý mà còn là cái tâm, cái tầm của người đi gieo con chữ.
“Tôi không muốn học trò nghĩ vật lý là những cái gì đó quá xa xôi, khô khan. Học vật lý là để giải thích những hiện tượng vật lý xung quanh mình như tại sao bầu trời màu xanh, cua xe sao cho an toàn… Khi làm một thí nghiệm, tôi chỉ muốn học trò vui, các em sẽ học được cách thao tác các dụng cụ, cách chọn vật liệu, tư duy sáng tạo, sự kiên trì, tích lũy kỹ năng sau mỗi dự án, mỗi thí nghiệm”.