Thế giới chống lạm phát, riêng Trung Quốc lo giảm phát

(PLO)- Giữa lúc các nước phương Tây nỗ lực chống lạm phát cao dai dẳng, Trung Quốc lại đối mặt vấn đề ngược lại - giảm phát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong lúc các ngân hàng trung ương của phương Tây chật vật nâng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát vẫn đang ở mức cao, Trung Quốc (TQ) lại đối mặt vấn đề ngược lại - giảm phát, theo hãng tin Bloomberg.

Rủi ro giảm phát tại Trung Quốc

Cục Thống kê Quốc gia TQ vừa công bố chỉ số tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát của nền kinh tế, và chỉ số giá hàng hóa sản xuất từ nhà máy (PPI) của tháng 5. Theo đó, chỉ số CPI tại TQ trong tháng qua chỉ tăng 0,2 % (cao hơn một tí so với mức tăng 0,1 hồi tháng 4), đồng thời chỉ số PPI giảm 4,6%, lần thứ 8 liên tiếp giảm. Những tín hiệu trên cho thấy sau mức tăng trưởng mạnh trong Quý I, kinh tế TQ có phần giảm nhiệt, và nền kinh tế này bắt đầu xuất hiện các thách thức mới, theo Bloomberg.

Người dân Trung Quốc mua hàng tại một siêu thị. Ảnh: AP

Người dân Trung Quốc mua hàng tại một siêu thị. Ảnh: AP

Bên cạnh những chỉ số có phần ảm đạm trên, trong thời gian qua nền kinh tế TQ còn chứng kiến một thực tế rằng nhu cầu tiêu dùng của người dân đang có xu hướng giảm, trong khi thu nhập và tiền dự trữ của họ trong các ngân hàng vẫn còn nhiều. Điều này dẫn tới một lượng lớn hàng hóa dư thừa, và xa hơn là gây ra nguy cơ về một cuộc giảm phát - giá cả giảm trên diện rộng - cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mối lo giảm phát càng thêm sâu sắc hơn khi trong tháng 5, các tỉnh thành lớn của TQ như Thượng Hải, Hà Nam, Liêu Ninh và Sơn Tây báo cáo chỉ số CPI tại những địa phương này giảm đi nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Các nhà kinh tế TQ cho rằng hiện tượng trên xuất hiện do xung đột Nga-Ukraine khiến lượng hàng hóa biến động mạnh, và nó ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ngoài ra, tỉ lệ lạm phát tại TQ lại rất nhỏ, lạm phát lõi - không tính lương thực và năng lượng trong tháng 5 là 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới quan sát thị trường cho rằng việc thiếu áp lực lạm phát có thể khiến TQ trải qua một giai đoạn giảm phát ngắn. Điều này có khả năng kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của TQ, và nếu nền kinh tế TQ không sớm phục hồi thì Bắc Kinh sẽ càng khó thoát khỏi tình trạng giảm phát này.

Bà Zichun Huang, chuyên gia về kinh tế TQ tại công ty nghiên cứu Capital Economics (Anh), nhận định rằng việc giảm phát xuất hiện tại TQ chỉ là xu hướng tạm thời, theo mùa, và sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sự phục hồi kinh tế của nước này.

“Khả năng TQ phải đối mặt giảm phát là khá thấp bởi ngành du lịch của nước này đang phục hồi, và giá thực phẩm có thể tăng mạnh trong thời gian tới” - Citic Securities, một ngân hàng đầu tư hàng đầu TQ nhận định.

Theo Bloomberg, để hạn chế khả năng giảm phát kéo dài gây khó cho nỗ lực phục hồi kinh tế, các nhà hoạch định Bắc Kinh cần hành động nhiều hơn nữa để sớm đưa nền kinh tế “nóng” trở lại. Theo đó, những biện pháp cần thiết có thể bao gồm cắt giảm lãi suất, làm suy yếu tỉ giá đồng nhân dân tệ, hoặc hỗ trợ tiền mặt và triển khai các khuyến khích chi tiêu đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp TQ.

Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 4, Ngân hàng Nhân dân TQ nhấn mạnh rằng họ sẽ tăng cường phối hợp các chính sách tài khóa để tạo ra nỗ lực chung nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, duy trì sự ổn định cơ bản của giá cả thị trường, và tăng khả năng phục hồi nền kinh tế.

TQ giảm phát ảnh hưởng ra sao tới kinh tế khu vực và thế giới?

TQ là nền kinh tế lớn, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới, nên nếu nền kinh tế này đối mặt giảm phát, nhiều khả năng kinh tế khu vực và thế giới sẽ chịu một số tác động tiêu cực, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: BLOOMBERG

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: BLOOMBERG

Thứ nhất, giảm phát tại TQ có thể gây mất ổn định trong thị trường tài chính, bởi khi xuất hiện giảm phát, Ngân hàng Nhân Dân TQ có thể phải tiến hành chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nới lỏng quá mức có thể gây ra các vấn đề phức tạp như tăng cao rủi ro tài chính, đẩy giá cả lên cao và gây ra sự bất ổn trên thị trường tài chính nội địa và quốc tế.

Thứ hai, một khi giảm phát xuất hiện tại TQ, nhu cầu tiêu thụ trong nước sẽ giảm mạnh, từ đó khả năng sản xuất và tỉ trọng nhập khẩu hàng hóa của TQ sẽ giảm mạnh. Từ đó, gây rối loạn cho chuỗi cung ứng.

Thứ ba, TQ là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á và toàn cầu. Nếu nền kinh tế TQ trì trệ do giảm phát, tỉ trọng xuất khẩu từ các đối tác của Bắc Kinh trong khu vực sẽ suy yếu. Điều này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất-nhập khẩu của các quốc gia trong khu vực, đồng thời làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này.

Trong khi đó, chia sẻ với tờ Wall Street Journal, ông Carlos Casanova - nhà kinh tế học về châu Á tại ngân hàng Union Bancaire Privee (Hong Kong) - nhận định: “Theo một cách hiểu khác, TQ là nước đang xuất khẩu giảm phát ra thị trường thế giới. Điều này có thể giúp các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm được áp lực trong cuộc chiến chống lạm phát.”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm