Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển ngày 12-6 nhận định 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới đang tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, trong đó Trung Quốc (TQ) đã mở rộng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân lên tới 17% trong năm 2022, theo hãng Al Jazeera.
Báo cáo của SIPRI nhận định Trung Quốc đang mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân. Ảnh: Greg Baker/AFP |
Kho vũ khí hạt nhân mở rộng trở lại
Trong báo cáo thường niên về tình trạng vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế, SIPRI ước tính thế giới có tổng cộng 12.512 đầu đạn hạt nhân tính đến tháng 1-2023, trong đó có khoảng 9.576 đầu đạn trong kho dự trữ, nhiều hơn 86 đầu đạn vào tháng 1 năm ngoái.
Về tổng thể, SIPRI nhận xét số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới tiếp tục giảm chủ yếu do Mỹ và Nga loại bỏ các đầu đạn hạt nhân không còn hoạt động. Tuy nhiên xu hướng này đang đảo nghịch và số lượng đầu đạn hạt nhân đang tăng trở lại.
9 quốc gia được đề cập trong báo cáo của SIPRI là Nga, Mỹ, TQ, Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và CHDCND Triều Tiên.
Ước tính có khoảng 3.844 đầu đạn hạt nhân đã được triển khai cùng với tên lửa và máy bay quân sự, và khoảng 2.000 đầu đạn, gần như tất cả đều từ Nga hoặc Mỹ, được duy trì trong tình trạng báo động cao, có nghĩa các đầu đạn hạt nhân này đang được trang bị cho tên lửa hoặc đang được giữ tại các căn cứ không quân có máy bay ném bom hạt nhân.
Theo báo cáo, Nga đang sở hữu 4.489 đầu đạn hạt nhân (tăng 12 đầu đạn so với một năm trước đó) và là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Trong khi đó Mỹ giữ nguyên quy mô kho vũ khí hạt nhân với tổng số đầu đạn hạt nhân của nước này là 3.708. Nga và Mỹ chiếm gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân của thế giới.
Còn đối với TQ, SIPRI ước tính kho vũ khí hạt nhân của nước này tăng từ 350 đầu đạn hạt nhân vào tháng 1-2020 lên 410 vào tháng 1-2023 và “dự kiến sẽ tiếp tục tăng".
Báo cáo của SIPRI cho biết tùy thuộc vào cách TQ cơ cấu lực lượng, nước này có thể có ít nhất số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngang với Mỹ hoặc Nga vào năm 2030.
Chuyên gia Hans M. Kristensen, Giám đốc dự án Thông tin hạt nhân tại tổ chức Liên hiệp Các nhà khoa học hạt nhân Mỹ (FAS) cảnh báo: “TQ đã bắt đầu mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân và ngày càng khó khăn hơn để cân bằng xu hướng này khi TQ tuyên bố mục tiêu có được lực lượng hạt nhân tối thiểu cần thiết để duy trì an ninh quốc gia".
Bên cạnh đó, báo cáo của SIPRI lưu ý các nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác có ý định hoặc đang phát triển hoặc đã triển khai các hệ thống vũ khí mới. Ấn Độ và Pakistan cũng đang gia tăng kho vũ khí hạt nhân và tiếp tục phát triển các loại hệ thống phân phối hạt nhân mới.
“Trong khi Pakistan vẫn là trọng tâm chính của lực lượng răn đe hạt nhân Ấn Độ, Ấn Độ dường như đang ngày càng chú trọng đến các loại vũ khí tầm xa hơn, bao gồm những loại có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp lãnh thổ TQ” - báo cáo nhận định.
Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân quân sự như một yếu tố trọng tâm trong chiến lược an ninh quốc gia của nước này.
SIPRI cho biết Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân của nước này. Ảnh: KCNA |
Xung đột Nga-Ukraine làm trở ngại ngoại giao hạt nhân
Báo cáo của SIPRI lưu ý nỗ lực ngoại giao kiểm soát vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị đã bị giáng một đòn nặng nề sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ hồi tháng 2 năm ngoái.
Ngay sau đó, Mỹ đã đình chỉ đối thoại ổn định chiến lược song phương với Nga. Vào tháng 2-2023, Moscow tuyên bố ngừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Washington. Các cuộc thảo luận về một hiệp ước tiếp theo cho New START cũng bị đình chỉ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lên kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào đầu tháng 7 và thường xuyên đe dọa trả đũa hạt nhân kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ.
Bên cạnh đó, các cáo buộc Iran hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine cũng phủ bóng lên triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).
Trong khi đó, Mỹ và Anh từ chối công bố thông tin về lực lượng hạt nhân trong năm 2022, điều mà hai nước đã làm vào những năm trước đó.
Ông Dan Smith, Giám đốc SIPRI, cảnh báo vào thời điểm căng thẳng địa chính trị và mất lòng tin tăng cao như hiện nay với việc các kênh liên lạc giữa các quốc gia hạt nhân hầu như đều đóng băng thì “nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm, hiểu lầm hoặc tai nạn là rất cao".
“Chúng ta đang tiến vào một trong những thời kỳ nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại. Điều cấp thiết là các chính phủ trên thế giới phải tìm cách hợp tác để làm dịu căng thẳng địa chính trị, giảm tốc các cuộc chạy đua vũ trang và đối phó với những hậu quả ngày càng tồi tệ của sự cố môi trường và nạn đói đang gia tăng trên thế giới” - ông Smith nhấn mạnh.